(VOV5) - Các nghị sĩ Mỹ quyết định siết chặt trừng phạt Nga bởi cho rằng nước này đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và có những vấn đề liên quan đến Ukraine và Syria.
Hạ viện Mỹ ngày 26/7/2017 thông qua dự luật áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga với kết quả ít nhất 419 phiếu thuận và chỉ có 3 phiếu chống. Động thái này khiến tiến trình khôi phục quan hệ song phương Mỹ-Nga, do Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa khơi nguồn, trở nên khó khăn bội phần.
Các nghị sĩ Mỹ quyết định siết chặt trừng phạt Nga bởi cho rằng nước này đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và có những vấn đề liên quan đến Ukraine và Syria. Đòn trừng phạt mới đặc biệt nhằm vào các dự án dầu khí của Nga với các công ty ở Mỹ, Đức và một số nước khác. Với dự luật này, Chính phủ Mỹ cần phải nhận được sự chấp thuận của Quốc hội nếu muốn triển khai các bước đi nhằm nới lỏng trừng phạt.
Những mâu thuẫn gay gắt
Quan hệ Nga - Mỹ trở nên trầm trọng khi bán đảo Crimea được sáp nhập vào Liên bang Nga tháng 3/2014. Mỹ và Liên minh châu Âu đã áp các lệnh trừng phạt với Nga, đẩy mối quan hệ giữa hai cường quốc xuống mức tồi tệ nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh.Việc ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ đã được cho là sẽ mở ra nhiều khả năng thúc đẩy mối quan hệ Nga- Mỹ.
Trong quá trình tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Trump đã từng tuyên bố sau khi chính thức trở thành nhà lãnh đạo nước Mỹ, ông sẵn sàng xem xét vấn đề công nhận Crimea là một khu vực của Nga và dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào Nga nếu đạt được thỏa thuận về cắt giảm vũ khí hạt nhân với Tổng thống Vladimir Putin, cũng như nếu Moscow giúp đỡ Washington trong cuộc chiến chống khủng bố và đạt được các mục tiêu quan trọng khác. Ông Trump đã cam kết sẽ xây dựng quan hệ tốt đẹp hơn với Nga và Tổng thống Putin cũng bày tỏ sẵn sàng thiết lập đối thoại với Mỹ.
Tuy nhiên, quan hệ Nga - Mỹ đã rơi vào trạng thái “lao dốc không phanh”, thậm chí có lúc tưởng như bên bờ vực đối đầu. Đó là hàng loạt những cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và việc Moscow gia hạn lệnh cấm nhập khẩu vào Nga một số loại nông sản, nguyên liệu và thực phẩm từ Mỹ đến 31/12/2018. Chưa hết, tại điểm nóng Syria, mâu thuẫn giữa hai nước ngày càng gay gắt sau một loạt vụ liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu bắn hạ máy bay của quân đội Syria, và Nga có một loạt phản ứng “cứng rắn” như cắt đường dây nóng giảm xung đột và dừng cơ chế ngăn chặn va chạm trên không với Mỹ.
Chân dung tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
|
Những động thái này làm gia tăng nguy cơ xảy ra rủi ro xung đột giữa hai lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới tại Syria. Cùng với đó, những yếu tố bất ngờ như vụ thử tên lửa ngày 4/7 của CHDCND Triều Tiên cũng “phủ bóng đen” lên quan hệ Nga - Mỹ. Đó là chưa kể lâu nay, Nga và Mỹ luôn bất đồng do Nga phản đối Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc.
Nhằm tìm kiếm giải pháp "phá băng" trong quan hệ, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) tại Hamburg, Đức, ngày 8/7, Tổng thống Mỹ Trump và người đồng cấp Nga Putin đã có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên. Những tuyên bố của giới chức Nga - Mỹ sau cuộc gặp quan trọng vốn được chờ đợi từ lâu và thu hút sự chú ý của dư luận thế giới đều thể hiện sự hài lòng về kết quả đạt được. Cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ cũng phần nào cho thấy bất chấp những bất đồng chưa thể giải quyết, hai bên vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại.
Mục tiêu xa vời
Tuy nhiên, mong muốn về việc quan hệ giữa Nga và Mỹ sẽ nồng ấm hơn khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ rất khó trở thành hiện thực bởi dự định của Tổng thống Mỹ Trump khôi phục đối thoại, tăng cường quan hệ với Nga đã bị ngăn chặn bởi cơ chế “kiểm soát và cân bằng” trong hệ thống chính trị Mỹ. Tổng thống Mỹ Trump không thể đi ngược lại cương lĩnh của đảng Cộng hòa, vốn ủng hộ tiếp tục trừng phạt Nga và nhiều khả năng sẽ phải ký ban hành dự luật trừng phạt mới nhằm vào Nga trong nay mai.
Giới chức tại Nga và một vài nước châu Âu cảnh báo quan hệ giữa Washington với Moscow và các nước đồng minh sẽ xấu đi nếu ông Trump ký ban hành dự luật này. Đặc biệt, các nghị sĩ Nga cho rằng dự luật sẽ làm phức tạp thêm quan hệ Nga-Mỹ vốn đã ở mức thấp nhất hiện nay.Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế thuộc Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, Leonid Slutsky khẳng định dự luật làm tiêu tan khả năng khôi phục quan hệ song phương và làm mối quan hệ này trở nên phức tạp hơn trong tương lai.
Rõ ràng là việc Mỹ xúc tiến nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga khiến quan hệ Nga - Mỹ diễn biến tiêu cực và khó lòng cải thiện. Mâu thuẫn ngoại giao giữa hai nước liệu có được giải quyết theo chiều hướng tích cực vì lợi ích của hai quốc gia, đồng thời cũng là an ninh và ổn định toàn cầu.