Quan hệ Mỹ-Venezuela khó cải thiện

(VOV5)- Không chỉ giảm bớt số lượng nhân viên ngoại giao, Venezuela còn đưa ra danh sách công dân Mỹ bị cấm nhập cảnh vào nước này.


Căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Venezuela đang có dấu hiệu leo thang với các biện pháp đáp trả qua lại lẫn nhau. Căng thẳng tiếp tục được đẩy lên một mức khi đầu tuần này Venezuela đã yêu cầu Hoa Kỳ phải cắt giảm hơn 80% nhân viên ngoại giao tại đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Caracas trong vòng 15 ngày. Động thái mới này được cho là sẽ mở ra một giai đoạn căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ-Venezuela, kéo lùi mọi nỗ lực mà hai nước cải thiện quan hệ hai nước kể từ khi Tổng thống Nicolas Maduro lên nắm quyền vào năm 2013.


Theo chỉ thị từ chính quyền Caracas, trong vòng 15 ngày, Đại sứ quán Mỹ tại Venezuela phải giảm số lượng nhân viên từ 100 người hiện nay xuống 17 người. Lý do Venezuela đưa ra là để ngang bằng với số lượng biên chế của Đại sứ quán Venezuela tại Washington.  Trước đó, Caracas cũng tiến hành một loạt biện pháp mạnh khác, trong đó có việc áp dụng quy chế thị thực bắt buộc đối với công dân Mỹ muốn nhập cảnh Venezuela, bao gồm cả khách du lịch. Bên cạnh đó, Venezuela còn từ chối cấp thị thực cho một loạt quan chức Mỹ, trong đó có có cựu Tổng thống George W. Bush và hai Thượng nghị sỹ. Caracas cũng yêu cầu các nhà ngoại giao Mỹ phải xin phép Chính phủ Venezuela trước khi tiếp xúc với các nhóm chính trị đối lập. Các động thái cứng rắn này, theo thông báo từ chính quyền Caracas, là nhằm phản đối sự can thiệp của Mỹ vào tình hình nội bộ của Venezuela. Chính phủ Mỹ chỉ trích những cáo buộc của Venezuela là "sai sự thật và vô căn cứ".


Quan hệ Mỹ-Venezuela khó cải thiện - ảnh 1
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: PressTV


Luôn trong tình trạng đối đầu


Trong quá khứ, Venezuela và Mỹ luôn trong tình trạng đối đầu. Quan hệ hai nước càng xấu đi kể từ khi cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez lên nắm quyền năm 1999. Những va chạm chính trị giữa Mỹ-Venezuela diễn ra liên tục, thậm chí 2 nước đã nhiều lần trục xuất các nhà ngoại giao của nhau ra khỏi nước mình. Phía Mỹ thường cáo buộc ông H. Chavez là “độc tài”. Trong khi đó, Venezuela cũng không ít lần cáo buộc chính quyền Mỹ âm mưu chống phá nhằm lật đổ chính quyền Caracas, phá hỏng thành quả cách mạng Bolivar. Không chỉ vậy, các nhà lãnh đạo Venezuela còn cáo buộc rằng, bên cạnh việc mua chuộc và lợi dụng lực lượng đối lập, Washington còn sử dụng một cách thức mới là chiến dịch truyền thông vu cáo Venezuela là một nhà nước buôn lậu ma túy và vi phạm nhân quyền, nhằm tạo cớ cho sự can thiệp từ bên ngoài vào quốc gia Nam Mỹ này. Sau khi ông Barack Obama lên nắm quyền Tổng thống Mỹ, dù hai nước đã có nhiều nỗ lực cải thiện quan hệ như khôi phục quan hệ ngoại giao cấp đại sứ, song do những bất đồng liên quan đến tình hình chính trị của Caracas, quan hệ song phương nhiều lần dậy sóng. Lần gần đây nhất là ngày 2/2, Chính phủ Mỹ thông qua một đạo luật mới hủy bỏ thị thực nhập cảnh và phong tỏa tài sản đối với những quan chức Venezuela bị cáo buộc vi phạm nhân quyền. Không chỉ vậy, Quốc hội Mỹ hồi đầu năm nay cũng công khai thông qua “Luật bảo vệ nhân quyền và xã hội dân sự Venezuela” mà theo cách gọi của chính quyền Caracas là một chiến dịch bôi nhọ nhằm vào các nhà lãnh đạo cấp cao Venezuela. Để đáp trả, Venezuela đã tạm giữ 4 công dân Mỹ với lý do nghi ngờ những người này hoạt động gián điệp. 


Căng thẳng tiếp diễn


Sau khi nhà lãnh đạo Hugo Chavez qua đời, sự nghiệp Cách mạng Bolivar ở Venezuela được Tổng thống Nicolas Maduro kế tục. Thời gian gần đây, giá dầu thô rớt giá mạnh khiến nền kinh tế Venezuela gặp nhiều khó khăn. Điều này gây nên làn sóng biểu tình, chống đối trong nước. Mới đây nhất, đã có 4 người bị thương trong cuộc biểu tình, bạo động của một nhóm thanh niên tại thành phố Merida, phía Tây Nam Venezuela. Các cuộc biểu tình trong những tuần cuối tháng 2/2015 tại Venezuela đã khiến 9 người thiệt mạng và 140 người bị thương. Trong bối cảnh đó, quan hệ giữa Mỹ và Venezuela tiếp tục rơi vào trạng thái đối đầu căng thẳng, bởi các cơ quan điều tra của Venezuela đã đưa ra bằng chứng cáo buộc Mỹ cung cấp các khoản tài chính để hỗ trợ cho hoạt động biểu tình ở Venezuela. 


Tác động xấu đến kinh tế khu vực 


Các nhà phân tích lo ngại, những biện pháp đáp trả qua lại giữa Mỹ và Venezuela sẽ tác động xấu đến các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, nhất là lĩnh vực dầu mỏ và thiệt thòi chắc chắn không thuộc về một phía. Venezuela hiện vẫn là nhà cung cấp dầu thô hàng đầu của Mỹ với mức trung bình là 1 triệu thùng/ngày. Rõ ràng, nếu quan hệ hai bên tiếp tục xấu đi thì mối giao thương này sẽ gặp khó khăn. Là hai quốc gia lớn trong khu vực, mối quan hệ Mỹ-Venezuela cũng có nhiều yếu tố tác động đến tình hình kinh tế chung của nhiều nước trong khu vực. Những diễn biến hiện tại khiến dư luận khó có thể hy vọng một chương mới sẽ được mở ra  trong mối quan hệ Mỹ-Venezuela và con đường bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia này còn vấp nhiều trở ngại./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác