(VOV5) - Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản sẽ tiếp tục bền chặt.
Ngày 16/9, Quốc hội Nhật Bản phê chuẩn ông Suga Yoshihide, Chủ tịch Đảng Tự do Dân chủ (LDP), là Thủ tướng Nhật Bản, thay cho ông Abe Shinzo, người xin từ chức vì lý do sức khỏe. Việc ông Yoshihide Suga, người được coi là cánh tay phải của ông Abe, được lựa chọn vào vị trí Thủ tướng, cho thấy Nhật Bản đã chọn sự ổn định trong chính sách. Điều đó có nghĩa là các chính sách lớn cả về đối nội và đối ngoại từ thời Thủ tướng Abe Shinzo về cơ bản sẽ được tiếp tục triển khai. Quan hệ Việt - Nhật vì thế sẽ tiếp tục duy trì đà phát triển trên cơ sở những mối quan hệ tốt đẹp sẵn có.
Ông Suga Yoshihide. Nguồn: sggp.org.vn
|
Trong chính sách đối ngoại, về cơ bản, ông Suga sẽ tiếp tục tăng cường mối quan hệ ổn định và rộng mở đối với các nước, trong đó có Việt Nam. Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản sẽ tiếp tục bền chặt.
Lựa chọn sự ổn định
Sự nghiệp chính trị của ông Yoshihide Suga và Thủ tướng Abe Shinzo đã gắn liền với nhau trong gần một thập kỷ qua, kể từ khi ông Abe đắc cử năm 2012. Ông Suga được cho là cánh tay phải của ông Abe trong suốt thời gian này. Ông Suga là người đã ủng hộ ông Abe Shinzo lên làm thủ tướng Nhật Bản ở cả hai lần, năm 2006 - 2007 và từ 2012 đến khi từ chức vì lý do sức khỏe.
Ở nhiệm kỳ đầu tiên, ông Abe đã cử ông Suga làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ và truyền thông và trong 8 năm qua, mặc dù Thủ tướng Abe đã nhiều lần thay đổi các thành viên nội các song ông Suga vẫn được giữ ở vị trí Chánh văn phòng nội các. Với cương vị này, ông đã trợ giúp Thủ tướng Abe trong việc hoạch định và triển khai các chính sách đối nội và đối ngoại, đặc biệt là việc gắn kết nội bộ liên minh cầm quyền cũng như với cả các đảng phái đối lập.
Dấu ấn Nhật Bản có mặt ở hầu hết các công trình hạ tầng, giao thông trọng điểm của Việt Nam, như:Cầu Nhật Tân, Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài... Nguồn:tapchitaichinh.vn |
Việc ông Yoshihide Suga được lựa chọn là Chủ tịch Đảng Tự do Dân chủ (LDP), rồi Thủ tướng Nhật bản, cho thấy Nhật Bản đã lựa chọn sự ổn định trong chính sách, nhất là trong bối cảnh nước này đang đứng trước các thách thức to lớn trong việc đối phó với đại dịch COVID-19 và nền kinh tế đang rơi vào suy thoái. Điều đó có nghĩa là các chính sách lớn cả về đối nội và đối ngoại của thời Thủ tướng Abe Shinzo về cơ bản sẽ được tiếp tục triển khai trong thời gian tới.
Nền tảng quan hệ tốt đẹp
Chính phủ mới ở Nhật Bản được cho là sẽ tiếp tục duy trì chính sách đối ngoại với Việt Nam giống như chính sách dưới thời chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe vì Việt Nam và các quốc gia ASEAN khác là những đối tác rất quan trọng đối với Nhật Bản trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và ngoại giao.
Về kinh tế, Việt Nam và Nhật Bản đã có quan hệ đối tác kinh tế mạnh mẽ trong một thời gian dài. Hai nước chia sẻ nhiều lợi ích chung, nền kinh tế hai nước ở trình độ phát triển khác nhau, mang tính bổ sung cho nhau hơn là cạnh tranh. Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Năm 2019, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ ba tại Việt Nam.
Nhờ nằm ở cửa ngõ Đông Nam Á, Việt Nam là ưu tiên hàng đầu trong đầu tư cơ sở hạ tầng của Nhật Bản. Nhật Bản đã vượt qua 1 số nước về đầu tư cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, với tổng giá trị là 208 tỷ USD.
Theo một cuộc khảo sát trực tuyến được thực hiện vào năm 2019 bởi NNA Japan Co, một công ty thuộc tập đoàn Kyodo News, Việt Nam là điểm đến đầu tư triển vọng nhất ở châu Á đối với các doanh nghiệp Nhật Bản. Sự gia tăng hoạt động kinh doanh của Nhật Bản tại Việt Nam được coi là cơ sở để duy trì đà phát triển của quan hệ kinh tế Việt - Nhật. Vì lý do này, sức hấp dẫn ngày càng tăng của Việt Nam đối với các doanh nghiệp Nhật Bản là một tín hiệu tích cực cho quan hệ kinh tế khởi sắc giữa hai nước.
Về chính trị, Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973. Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu, hợp tác lâu dài. Nhật Bản cũng coi Việt Nam là đối tác chiến lược hàng đầu tại khu vực. Đáng chú ý, lãnh đạo Nhật bản đã mời lãnh đạo Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng vào năm 2016 và Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G20) với tư cách khách mời đặc biệt của nước chủ nhà vào năm 2019. Đây đều là những lần đầu tiên Việt Nam tham dự các diễn đàn có tầm ảnh hưởng quốc tế lớn như G7 và G20.
Tiếp nối những giao lưu truyền thống của người dân 2 nước, Việt Nam và Nhật bản cùng chia sẻ những giá trị về văn hóa, tập quán. Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đã trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 3 với gần 400 nghìn người. Năm 2019 có hơn 900 nghìn du khách Nhật Bản đến Việt Nam mà Hội An là một điểm đến yêu thích. Đồng thời có trên 400 nghìn người Việt Nam thăm Nhật Bản. Giao lưu nhân dân hai nước được tăng cường với các hình thức phong phú, dự án hợp tác cụ thể, thực chất như Trường Đại học Việt - Nhật.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, ngày nay, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 9/1973. Và quan hệ song phương vẫn sẽ tiếp tục duy trì đà phát triển trên cơ sở những mối quan hệ tốt đẹp sẵn có.