(VOV5) - Quan hệ hai nước được đánh giá là đang ở giai đoạn tốt nhất, có sự tin cậy chính trị cao.
Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Oshima Tadamori hôm nay bắt đầu thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày. Tiếp sau các chuyến thăm từ đầu năm đến nay của Thủ tướng Shinzo Abe, Nhà Vua và hoàng hậu Nhật bản, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Oshima Tadamori lần này là bước cụ thể hóa tích cực nội hàm của mối quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”, đặc biệt là trên kênh ngoại giao nghị viện hai nước.
Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973. Trải qua hơn 40 năm, quan hệ hai nước không ngừng được củng cố và phát triển. Quan hệ hai nước được đánh giá là đang ở giai đoạn tốt nhất, có sự tin cậy chính trị cao.
Đối tác chiến lược sâu rộng
Nhật Bản hiện là một trong những đối tác chiến lược và đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, là nhà đầu tư số 2 tại Việt Nam, là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng trung bình 14%/năm và dự kiến kim ngạch thương mại hai chiều sẽ cán mốc 60 tỷ USD năm 2020.
Trong chuyến thăm Việt Nam đầu năm nay, Thủ tướng Shinzo Abe và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí mở rộng hơn nữa quan hệ thương mại, đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam-Nhật Bản. Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng xanh, phát triển hạ tầng chất lượng cao, chuyển giao công nghệ, các dịch vụ chất lượng cao như tài chính ngân hàng, du lịch…nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp chế tạo đặc biệt là tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ các dự án khởi nghiệp. Hiện có hơn 1.600 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam và thời gian qua các doanh nghiệp Nhật Bản, với thế mạnh về công nghệ cao, nhiều kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế Việt Nam. Theo ông Ando Kengo, Tổng thư ký hiệp hội doanh nghiệp nhật bản tại Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng quan tâm tới thị trường Việt Nam và mong muốn tiếp tục hoạt động lâu dài, hợp tác tích cực hơn nữa với các đối tác của Việt Nam: “Việt Nam rất gần Nhật Bản. Số người Việt Nam học tiếng Nhật cũng nhiều nhất trong số các nước ASEAN đặc biệt là tiếng Nhật trình độ cao. So về độ tuổi Việt Nam có dân số đông và trẻ hơn nhiều so với Nhật Bản. Như các bạn đã biết Nhật Bản là một nước phát triển với nền tảng là sản xuất công nghiệp vì vậy lực lượng lao động với kỹ năng tốt, độ tuổi còn trẻ của Việt Nam rất hấp dẫn đối với các công ty chúng tôi, nhất là lĩnh vực chế biến, chế tạo”.
Một tín hiệu tích cực cho quan hệ hợp tác kinh tế song phương Việt Nam-Nhật Bản là tháng 3 vừa qua, trái thanh long Việt Nam, lần đầu tiên chính thức đến với người tiêu dùng Nhật Bản. Cùng với các mặt hàng nông sản khác như xoài, chuối, vải, các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội tại thị trường Nhật Bản.Ông Nguyễn Trường Sơn, Đại biện Việt Nam tại Nhật Bản cho biết: “Nhật Bản tuy là thị trường khó tính nhưng có nhiều tiềm năng xuất khẩu cho Việt Nam. Trong thời gian qua thị trường nông sản của Việt Nam có những bước tiến rất quan trọng trong việc chiếm lĩnh thị trường tiềm năng Nhật Bản. Với việc đưa Thanh long ruột đỏ và tiếp tục đưa những loại nông sản khác vào thị trường Nhật Bản sẽ mở ra những cơ hội mới cho nông sản Việt Nam”.
Trên nền tảng sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn VI cũng như Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đến năm 2020 tầm nhìn 2030, Việt Nam và Nhật Bản đang tích cực triển khai các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao, đưa hợp tác hai bên phát triển ngày càng sâu rộng
Thúc đẩy kênh ngoại giao nghị viện
Cùng với quan hệ chính trị tốt đẹp, trong những năm qua, quan hệ ngoại giao Nghị viện giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao cũng như các Đoàn ở cấp Ủy ban chuyên môn và các Đoàn giữa hai Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản và Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt. Tại các diễn đàn liên nghị viện đa phương quốc tế và khu vực, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam và Nhật Bản có quan điểm và ý kiến tương đồng về việc xây dựng và duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thường xuyên ủng hộ lẫn nhau trong quan điểm về xử lý các vấn đề khu vực có liên quan.
Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, đây là lần thứ hai người đứng đầu Hạ viện Nhật Bản thăm Việt Nam. Chuyến thăm thể hiện sự tin cậy chính trị giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước, hai Quốc hộigóp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội theo đúng nội hàm của mối quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam- Nhật Bản, cụ thể hóa Tuyên bố về Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam-Nhật Bản.