(VOV5) - Thực tế, sau 1 tuần họp trực tuyến liên tục, nhiều tín hiệu tích cực được ghi nhận.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV hôm nay bước sang tuần làm việc thứ hai. Hình thức họp trực tuyến tiếp tục được áp dụng trong suốt tuần làm việc này. Đây là lần đầu tiên trong hơn 70 năm qua, Quốc hội Việt Nam họp trực tuyến liên tục nhiều ngày. Hình thức này không chỉ là việc thích ứng với tình hình dịch COVID -19 mà còn đặt nền móng cho bước đổi mới trong hoạt động của Quốc hội trong kỷ nguyên 4.0.
Phiên họp toàn thể lần thứ 27 của Ủy ban Pháp luật theo hình thức trực tuyến - Ảnh: quochoi.vn
|
Hình thức họp trực tuyến được Quốc hội áp dụng trong 2 tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV (20 - 29/5). Tín hiệu từ Nhà Quốc hội được kết nối đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội tiến hành họp trực tuyến và Quốc hội Việt Nam cũng là một trong những Nghị viện đầu tiên trên thế giới áp dụng hình thức này.
Họp trực tuyến: Phù hợp với bối cảnh thực tiễn
Thực tế thời gian qua, dịch COVID -19 đã làm thay đổi nhiều vấn đề của đời sống, kinh tế - xã hội trong nước, trong đó có liên quan đến việc họp của Quốc hội. Việc lựa chọn phương án họp trực tuyến đối với đợt 1 của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV được đánh giá là phù hợp khi cả xã hội vẫn đang trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID -19.
Ngay trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV (20/5), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định: "Việc đổi mới cách thức kỳ họp thể hiện Quốc hội luôn thay đổi, linh hoạt, ứng dụng khoa học công nghệ để theo kịp tình hình kinh tế, xã hội vì lợi ích nhân dân".
Thực tế, sau 1 tuần họp trực tuyến liên tục, nhiều tín hiệu tích cực được ghi nhận như đại biểu tại điểm cầu của 63 Đoàn thực hiện đăng ký phát biểu, tranh luận như các kỳ họp trước. Danh sách đăng ký phát biểu được kịp thời cập nhật vào hệ thống điều hành của Đoàn Chủ tịch theo thứ tự đăng ký của đại biểu và được thể hiện trên màn hình tại Hội trường Diên Hồng. Bà Châu Quỳnh Dao, đại biểu Quốc hội đoàn Kiên Giang nhận xét: "Vấn đề đăng ký phát biểu hay tranh luận rất công khai minh bạch, kịp thời và không bị ảnh hưởng về thời gian. Tốc độ đường truyền đảm bảo, tiếng nói rất rõ giữa các điểm cầu".
Trung tâm điều hành Quốc hội điện tử tại Nhà Quốc hội - Ảnh: quochoi.vn
|
Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội được bảo đảm thực hiện thông qua các phần mềm ứng dụng. Đại biểu Quốc hội thuận lợi trong việc truy cập ứng dụng Quốc hội để tra cứu Văn kiện tài liệu hoặc Thư viện số để tìm kiếm và sử dụng tài liệu tham khảo của Kỳ họp thứ 9. Đại biểu Nguyễn Duy Hữu, đoàn Đắk Lắk chia sẻ: "Chúng tôi thấy rất hài lòng ở chỗ chất lượng đường truyền đáp ứng các yêu cầu của đại biểu. Triển khai được hình thức này, Quốc hội đã tiến 1 bước rất dài trong ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ các kỳ họp".
Tiền đề cho Quốc hội điện tử
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, trong giai đoạn Việt Nam đang tiến tới công nghệ 4.0, việc áp dụng công nghệ thông tin vào trong một kỳ họp Quốc hội là cần thiết. Đây sẽ là lần thử nghiệm cho một hình thức họp mới và nếu phương thức họp này thực sự vận hành tốt thì đây sẽ là một bước đổi mới trong hoạt động của Quốc hội Việt Nam.
"Chúng ta thường nói biến nguy thành cơ. Đây là cơ hội để chúng ta chuẩn bị cho việc đổi mới, vừa đảm bảo tiết kiệm thời gian, ngân sách, đồng thời chuyển sang áp dụng công nghệ thời 4.0. Kỳ này chính là bước chuẩn bị để khi chuyển sang 4.0, đặc biệt là bước đệm quan trọng để hoàn thiện các phần mềm cho đại biểu nghiên cứu, tham gia đóng góp, biểu quyết" - ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Việc lựa chọn phương án họp trực tuyến đối với đợt 1 của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV là phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay. Tuy là lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội tiến hành họp trực tuyến và Quốc hội Việt Nam cũng là một trong những Nghị viện đầu tiên trên thế giới áp dụng hình thức này song, việc họp trực tuyến đang phát huy hiệu quả, đảm bảo chất lượng. Quan trọng hơn, nó đã tạo ra nền tảng đổi mới phương thức họp của Quốc hội.