(VOV5) - Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới IPU - 132 sẽ chính thức khai mạc tại Hà Nội ngày 28/3 và kéo dài trong 5 ngày. Việc lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện ngoại giao nghị viện quan trọng mang tầm thế giới này cho thấy sự tin tưởng của bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam đồng thời cũng là kết quả của hơn 35 năm Việt Nam là thành viên chủ động, tích cực của IPU.
Quốc hội Việt Nam được kết nạp làm thành viên của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) vào tháng 4/1979. Tham gia vào IPU, Việt Nam được bạn bè thế giới đánh giá cao về mọi mặt. Không chỉ tham gia đầy đủ các hoạt động của IPU, Quốc hội Việt Nam ngày càng đưa ra nhiều ý kiến đóng góp với bạn bè quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước.
Chủ động tham gia các hoạt động của IPU
Quốc hội Việt Nam xác định việc tham dự các hoạt động của IPU là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Quốc hội nhằm thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích của Việt Nam, thể hiện quan điểm quốc gia về các mối quan tâm chung trên toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế. Đây cũng là nơi Quốc hội Việt Nam có thể tiếp cận với nhiều nội dung, kinh nghiệm hoạt động và thực tiễn tốt của các nghị viện trên thế giới để đóng góp cho việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của mình.
Trong hơn 35 năm là thành viên của IPU, Quốc hội Việt Nam chủ động tham gia và đóng góp tích cực tại các kỳ họp Ðại hội đồng thường niên và nhiều hội nghị chuyên đề của IPU. Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề của IPU như hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương về "Tăng cường vai trò của Nghị viện trong việc bảo vệ trẻ em" năm 2006; Hội thảo khu vực châu Á - Thái Bình Dương về "Vai trò của Nghị viện trong phòng chống HIV/AIDS" năm 2009. Ông Ngô Đức Mạnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại, Trưởng tiểu ban thông tin tuyên truyền IPU-132, cho biết: Quốc hội Việt Nam từng bước khẳng định vai trò, vị trí của mình trong IPU và thể hiện qua việc đăng cai tổ chức nhiều phiên họp chuyên đề của IPU như các hội nghị chuyên đề về vấn đề sức khỏe, bình đẳng giới. Từ đấy cùng với việc khẳng định vị thế vai trò của mình, Quốc hội Việt Nam đã thể hiện được tính chủ động, tích cực trong IPU.
Với những đóng góp tich cực của mình, Quốc hội Việt Nam được bầu làm Chủ tịch Nhóm địa chính trị khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2006, trực tiếp điều phối các hoạt động chung của 27 Nghị viện thành viên IPU tại khu vực này. Năm 2007, Ðại hội đồng IPU-117 bầu đại diện của Quốc hội Việt Nam vào Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2007-2011 và bầu làm Phó Chủ tịch IPU năm 2009. Qua đó, Việt Nam có điều kiện đóng góp trực tiếp và thiết thực hơn vào hoạt động của IPU như đưa ra nhiều sáng kiến trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ. Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Việt Nam ông Ngô Quang Xuân cho biết:Chúng tôi có thể tự hào mà nói Quốc hội Việt Nam đã ngày càng trở thành thành viên tích cực, một thành viên có trách nhiệm trong tổ chức đa phương này bởi vậy cho nên chúng ta không những tham gia đầy đủ các hoạt động của cơ chế này mà đồng thời càng ngày càng đưa nhiều ý kiến, đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm với bạn bè quốc tế. Đó là lý do chúng ta được bầu vào các cơ chế lãnh đạo của IPU.
Tổ chức IPU-132 - điểm nhấn quan trọng trong nền ngoại giao nghị viện Việt Nam
Sự ghi nhận những đóng góp to lớn của Việt Nam trong IPU thể hiện đậm nét khi Việt Nam được trao quyền đăng cai Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 vào cuối tuần này, tại Hà Nội. Đây cũng chính là cơ hội để Quốc hội Việt Nam tham gia tích cực, cụ thể hơn, đóng góp nhiều hơn những ý tưởng, đề xuất trong IPU 132. Quốc hội Việt Nam sẽ cùng các nghị viện thành viên IPU thảo luận chủ đề tổng quát là “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”, dự kiến thông qua các dự thảo Nghị quyết như Nghị quyết Chiến tranh mạng: Mối đe doạ nghiêm trọng đến hoà bình và an ninh toàn cầu; Nghị quyết Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước; Nghị quyết về Luật pháp quốc tế trong mối quan hệ với chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và quyền con người... Ðặc biệt, Ðại hội đồng IPU-132 dự kiến sẽ ra Tuyên bố Hà Nội, một văn kiện chính trị - ngoại giao về các vấn đề lớn toàn cầu. Tuyên bố Hà Nội còn là thông điệp hòa bình, hữu nghị của Quốc hội và nhân dân Việt Nam gửi Quốc hội và nhân dân các nước trên thế giới. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng khẳng định:Chúng ta muốn hình ảnh đất nước, con người, lịch sử văn hóa truyền thống Việt Nam có dấu ấn trong Hội nghị này và đây là thời điểm để chứng tỏ chúng ta tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Thứ 2 là các kiến nghị, đề xuất của Việt Nam tại các phiên thảo luận chuyên đề phải tỏ rõ lập trường yêu chuộng hòa bình của đất nước, phải tỏ rõ truyền thống văn hóa lịch sử anh hùng, phải tỏ rõ lòng thân thiện, tinh thần hợp tác, mở rộng quan hệ với bạn bè quốc tế.
Việc Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức IPU - 132, tại Hà Nội, sắp tới, sẽ là một điểm nhấn ấn tượng trong hoạt động ngoại giao nghị viện của Quốc hội Việt Nam, góp phần thể hiện đường lối đối ngoại hòa bình, hữu nghị, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế của Ðảng và Nhà nước Việt Nam, khẳng định sự hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam./.