(VOV5)- Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mới đây kiến nghị chính phủ nước này xem xét lại các hạn chế trong hiến pháp cản trợ Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) tham gia chiến trận ở nước ngoài. Ông S.Abe cũng đang nỗ lực triển khai các biện pháp nhằm thực hiện quyền phòng vệ tập thể này. Tuy khẳng định cam kết Tokyo sẽ trung thành với con đường hòa bình, song, đề xuất này đang có nhiều luồng dư luận quốc tế và khu vực khác nhau.
Quyết định này của Thủ tướng S.Abe được đưa ra ngay sau khi một ban cố vấn an ninh trình báo cáo cho ông S.Abe, với đề xuất diễn giải lại Hiến pháp theo hướng cho phép Tokyo thực hiện quyền phòng vệ tập thể. Việc dỡ bỏ lệnh cấm này đồng nghĩa với việc Nhật Bản có thể thực hiện quyền sử dụng lực lượng quân sự để bảo vệ các đồng minh hoặc các quốc gia có mối quan hệ mật thiết với Nhật Bản, trong trường hợp họ bị tấn công vũ trang.
Để triển khai nỗ lực này, trong một động thái mới, ngày 21/5, ông S.Abe có kế hoạch sẽ thành lập một vị trí bộ trưởng Nội các phụ trách sửa đổi khuôn khổ pháp lý vào cuối tháng 8 năm nay, nhằm dỡ bỏ lệnh cấm thực hiện quyền phòng vệ tập thể mà nước này tự áp đặt. Chức vụ bộ trưởng đặc biệt này sẽ có nhiệm vụ chủ yếu là giải thích cho quốc hội về lập trường của chính phủ với vấn đề gây tranh cãi nói trên.
Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định Nhật cần đóng vai trò chủ động hơn về quân sự trong thời điểm khu vực đang có nhiều căng thẳng - Ảnh: Reuters
Có quyền nhưng không thể thực thi
Thời gian qua, Tokyo vẫn luôn duy trì quan điểm rằng Nhật Bản có quyền phòng vệ tập thể nhưng không thể thực thi nó do các giới hạn mà Điều 9 Hiến pháp nước này áp đặt, theo đó cấm sử dụng lực lượng vũ trang để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Bởi vậy, việc thay đổi chính sách quốc phòng cơ bản này đòi hỏi Tokyo phải thay đổi cách hiểu đối với bản Hiến pháp hòa bình, một động thái mà đối tác trong liên minh của ông S.Abe, đảng Công minh Mới (NKP), hiện vẫn chưa đồng ý.
Theo khẳng định của Thủ tướng S.Abe, với cách giải thích Hiến pháp hiện nay, Nhật Bản không thể bảo vệ được công dân của mình. Dẫn ví dụ về việc tàu hải quân Mỹ đang chở công dân Nhật Bản ở vùng xung đột ngoài lãnh thổ quốc gia thì bị tấn công, Thủ tướng S.Abe cho rằng theo cách giải thích hiện nay đối với Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản, Lực lượng phòng vệ nước này không thể sử dụng vũ khí trừ khi bị tấn công. Do đó, Nhật Bản không thể huy động lực lượng phòng vệ để bảo vệ tàu Mỹ, cho dù chiếc tàu này đang chở công dân Nhật Bản.
Các luồng dư luận trái chiều
Các quốc gia trong và ngoài khu vực đều có những phản ứng ngay lập tức về quyết định này của Thủ tướng Nhật Bản S.Abe. Washington thẳng thắn bày tỏ, với tư cách là một đồng minh, Mỹ “hoan nghênh và ủng hộ” tranh luận trong nội bộ của Nhật Bản về việc liệu Tokyo cần phải dỡ bỏ lệnh cấm việc sử dụng quyền phòng vệ tập thể mà nước này tự áp đặt hay không? Trước đó, Mỹ đã từng kêu gọi Nhật đóng góp phần mình vào quan hệ đồng minh an ninh. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng hoan nghênh động thái mới này và nhấn mạnh Lầu Năm Góc "tin tưởng Nhật Bản sẽ duy trì truyền thống tôn trọng hòa bình". Còn Trung Quốc đã tỏ rõ sự quan ngại và yêu cầu Tokyo xem lại lịch sử để đóng vai trò xây dựng cho hòa bình và ổn định của khu vực. Hàn Quốc thì kêu gọi việc thảo luận về an ninh và quốc phòng của Nhật Bản nên dựa vào tinh thần bản Hiến pháp hòa bình của nước này và tiếp tục góp phần vào hòa bình và ổn định trong khu vực. Hàn Quốc sẽ không chấp nhận bất kỳ vấn đề nào ảnh hưởng đến an ninh trên bán đảo Triều Tiên và lợi ích quốc gia của Hàn Quốc. Đề xuất của Thủ tướng S.Abe cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân trong nước với khoảng 2000 người tập trung biểu tình để phản đối việc cho phép sử dụng quyền phòng vệ tập thể.
Hướng tới con đường hòa bình tích cực
Theo giới phân tích, đề xuất việc cho phép sử dụng quyền phòng vệ tập thể là một phần trong khái niệm “Chủ nghĩa hòa bình tích cực” được Thủ tướng S.Abe nêu ra. Khái niệm này nhằm giải thích cho việc Nhật Bản muốn nới lỏng các quy định ngặt nghèo về quân sự theo Hiến pháp hiện hành để có thể đóng vai trò lớn hơn trong vấn đề an ninh của khu vực và thế giới.
Những xung đột gay gắt ở khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, nước đang có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản, được xem là những nhân tố thúc đẩy chính quyền của Thủ tướng S.Abe đẩy nhanh tiến trình thảo luận về quyền phòng vệ tập thể. Tăng cường khả năng phòng vệ, trung thành với con đường hòa bình và sẽ không trở thành quốc gia gây chiến là lập trường của Thủ tướng S.Abe . Thế nhưng, thực thi được hay không, mong muốn này của Thủ tướng S.Abe còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bên cạnh những ý kiến trái chiều, một số nhà quan sát lại cho rằng việc đảm bảo khả năng phòng thủ tập thể sẽ cho phép Nhật Bản đem lại sự cân bằng cần thiết cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương./.