Quyền tự do ngôn luận không tách rời nghĩa vụ công dân
Thu Hoa -  
(VOV5) - Sau khi một vài đối tượng bị cơ quan an ninh Việt Nam bắt giữ, điều tra về hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân”, theo điều 258 của Bộ luật Hình sự, một số blogger và các tổ chức quốc tế liên tục vu cáo Việt Nam sử dụng các điều luật về an ninh quốc gia để hạn chế người dân thực hiện các quyền dân sự, chính trị, quyền tự do ngôn luận, tự do sử dụng internet. Nực cười hơn, họ còn kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho các đối tượng này.
|
Trong Hiến pháp năm 1992 của Việt Nam, ở điều 69 có ghi: “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí”(Ảnh minh họa) |
Tự do theo nghĩa rộng, và tự do ngôn luận, tự do bày tỏ ý kiến cá nhân, theo nghĩa được áp dụng cụ thể, là những quyền quan trọng nhất của con người. Trong hệ thống văn bản pháp lý quốc tế, điển hình là “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người” năm 1948 và “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị” năm 1966, đều khẳng định: tôn trọng và đảm bảo quyền này vừa là điều kiện và động lực phát triển của các xã hội, không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển. Việt Nam, quốc gia tích cực tham gia nhiều công ước quốc tế về quyền con người, đã áp dụng nhiều chuẩn mực quốc tế để xây dựng hệ thống văn bản pháp lý về quyền con người của Việt Nam. Trong Hiến pháp năm 1992 của Việt Nam, ở điều 69 có ghi: “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí”…
Luật pháp quốc tế đã quy định phải đảm bảo quyền tự do ngôn luận cho các công dân. Nhưng luật pháp quốc tế cũng quy định rằng quyền của cá nhân có thể bị hạn chế. “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người” năm 1948 từng viết: “Mỗi người trong khi hưởng thụ các quyền và tự do cá nhân, chỉ phải chịu hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là đảm bảo việc thừa nhận và tôn trọng đối với quyền và tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị” năm 1966 cũng quy định: “Việc thực hiện quyền tự do ngôn luận kèm theo những nghĩa vụ, trách nhiệm đặc biệt. Do đó có thể phải chịu một số hạn chế nhất định theo luật định, nhằm tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác, bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng”. Như vậy, việc nhà nước Việt Nam quy định “quyền tự do ngôn luận” trong Hiến pháp 1992 là điều mặc nhiên được hiến định, hoặc Bộ Luật hình sự năm 1999 nêu rõ những quy định đặc thù về quyền tự do ngôn luận, trong điều 88 và điều 258, âu cũng là việc hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. Thế nên, trước khi lên tiếng bênh vực cho các đối tượng vừa bị các lực lượng an ninh Việt nam bắt giữ theo điều 88 và điều 258 Bộ Luật hình sự của Việt Nam, các blogger và các tổ chức quốc tế, điển hình là Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Tổ chức Phóng viên không biên giới, cần biết rằng những đối tượng này đã vi phạm pháp luật Việt Nam. Pháp luật nghiêm minh đối với các đối tượng này vì họ đã “lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân”, chứ không phải vì họ đã “ chỉ trích chính phủ” hoặc bản thân họ là “những chiến sỹ đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam” như các tổ chức này rêu rao.
Điều đáng phê phán là các tổ chức quốc tế như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Tổ chức Phóng viên không biên giới… đã cố tình lợi dụng các vụ án theo điều 88 và điều 258 của Bộ Luật hình sự để xuyên tạc vấn đề nhân quyền và tự do ngôn luận của Việt Nam. Những việc mà các tổ chức này cần làm là đưa ra đúng những sự thật khách quan, chứ không phải là bênh vực những kẻ vi phạm pháp luật, lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xuyên tạc chủ trương, chính sách của Nhà nước, bôi nhọ hình ảnh một Việt nam đang phát triển, dưới vỏ bọc là các blogger, như các tổ chức này vẫn làm nhằm trục lợi.
Một lần nữa phải khẳng định rằng các quyền dân sự, chính trị, quyền tự do ngôn luận, tự do sử dụng internet của mọi người dân ở Việt Nam đều được đảm bảo trong hệ thống pháp luật và trên thực tế. Song vấn đề chưa bao giờ cũ, đó là quyền tự do ngôn luận không tách rời nghĩa vụ công dân. Mọi cá nhân ở Việt Nam cũng như ở mọi quốc gia khác đều phải hành xử theo Hiến pháp và pháp luật. Không một tổ chức và cá nhân nào đứng ngoài hệ thống pháp lý xã hội. Đó là điều mà mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã và đang thực hiện để bảo đảm tính thượng tôn của pháp luật, đặc biệt là pháp luật về quyền con người./.
Thu Hoa