Tổ chức Phóng viên không biên giới và chiêu bài xuyên tạc tự do internet tại Việt Nam
Thu Hoa -  
(VOV5) - Mới đây trong ngày Tự do báo chí 3/5/2013, Tổ chức Phóng viên Không biên giới công bố bản xếp hạng tự do báo chí trên thế giới, trong đó lại lặp lại những thông tin áp đặt, mang tính vu khống Việt Nam thiếu tự do báo chí. Những đánh giá trong bảng xếp hạng này hoàn toàn trái ngược với thực tế ở Việt Nam, một lần nữa cho thấy thái độ thiếu thiện chí, lợi dụng vấn đề tự do internet để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
|
VN hiện có hơn 31 triệu người sử dụng internet (chiếm 35,49% dân số) và đang đứng thứ 18/20 quốc gia có số người sử dụng internet lớn nhất thế giới (Ảnh minh họa) |
Theo “Sách trắng Internet Việt Nam”, Việt Nam hiện có hơn 31 triệu người sử dụng internet (chiếm 35,49% dân số) và Việt Nam đang đứng thứ 18/20 quốc gia có số người sử dụng internet lớn nhất thế giới, đứng thứ 8 khu vực châu Á và đứng thứ 3 ở khu vực ASEAN. So với năm 2000, số lượng người dùng internet ở Việt Nam đã tăng hơn 15 lần. Việt Nam hiện là nước đứng đầu khu vực ASEAN về số lượng đăng ký tên miền quốc gia… Còn theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến hết năm 2012, tổng số thuê bao 3G ở Việt Nam đạt xấp xỉ con số 20 triệu. Lượng người dùng mạng xã hội Facebook ở Việt Nam tăng từ 8,5 triệu vào tháng 10-2012, lên thành 12 triệu tháng 3-2013… Riêng với dịch vụ blog ở Việt Nam, Yahoo! 360Plus có khoảng 2,3 triệu thành viên, Yume có 2,4 triệu người dùng; wordpress.com là 2,9 triệu thành viên; blogspot.com là 5,1 triệu thành viên… Những con số này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của internet kể từ năm 1997 đến nay do Việt Nam có chính sách cởi mở và tôn trọng tự do internet. Điều đó cho thấy những luận điệu như: “Việt Nam không tiến bộ về tự do báo chí, vẫn trong nhóm 10 nước tồi tệ nhất về tự do báo chí” của Tổ chức Phóng viên không biên giới, là hoàn toàn bịa đặt, trái với thực tế sinh động về tự do internet của Việt Nam.
Với việc xếp hạng Việt Nam ở nhóm cuối trong bảng xếp hạng tự do báo chí 2013, Tổ chức Phóng viên Không biên giới rõ ràng vẫn tiếp tục duy trì cái nhìn lệch lạc, định kiến, với nhiều luận điệu xuyên tạc, để từ đó áp đặt nhận xét sai trái về tự do internet ở Việt Nam. Cần biết rằng, ngay từ lần đầu tiên kỷ niệm ngày “Thế giới chống kiểm duyệt mạng” vào năm 2008, thì Tổ chức Phóng viên Không biên giới đã đặt Việt Nam vào danh sách những nước bị coi là “Kẻ thù của internet”.Và từ đó đến nay, trong khi internet phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam như đã kể trên, thì cách nhìn của Tổ chức Phóng viên Không biên giới vẫn không có gì thay đổi. Bằng chứng là Tổ chức Phóng viên Không biên giới, trong bản Phúc trình nhân ngày Thế giới chống kiểm duyệt mạng 12/3/2013, đã cho rằng Việt Nam có cả “những đội quân an ninh trên mạng”, trong khi việc bảo vệ an ninh mạng là công việc thông thường của mọi quốc gia có sử dụng internet. Không dừng lại ở đó, trong khi cố gắng bảo vệ góc nhìn lệch lạc, định kiến của mình đối với tình hình tự do internet ở Việt Nam, Tổ chức Phóng viên Không biên giới còn ra sức xuyên tạc, vu cáo Việt Nam đàn áp tự do internet, đỉnh điểm là trong bản xếp hạng tự do báo chí năm 2013, tổ chức này đã vu khống Việt Nam là “nhà tù khổng lồ thứ hai trên thế giới đối với các công dân mạng”. Song trong thực tế, các blogger mà Tổ chức Phóng viên Không biên giới dẫn làm các trường hợp điển hình về vấn đề này, chính là những phần tử cơ hội, lợi dụng internet để gây mất ổn định xã hội Việt Nam, đã bị toà án tuyên phạt vi phạm pháp luật Việt Nam và được xét xử với những bản án công khai. Lẽ đương nhiên, nhà nước Việt Nam, một mặt có chính sách tạo điều kiện thuận lợi tối đa để internet phát triển, mặt khác có những quy định, điều luật nghiêm khắc để vừa bảo vệ người sử dụng internet khỏi những thông tin độc hại, hạn chế những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hoá dân tộc, ngăn chặn các đối tượng xấu lợi dụng internet phục vụ cho hoạt động phạm pháp, đe doạ an ninh quốc gia. Mọi quốc gia trên thế giới đều có hành động tương tự để bảo đảm an ninh mạng trong kỷ nguyên thông tin toàn cầu.
Dư luận quốc tế và trong nước đặt câu hỏi, nếu sự thật đúng như Tổ chức Phóng viên Không biên giới lâu nay đã rêu rao rằng “Việt Nam là kẻ thù của internet”, thì chắc hẳn sau 15 năm kể từ 1997 đến 2012, số người sử dụng internet ở Việt Nam không thể tăng tới hơn 15 lần như thực tế hiện nay. Và chỉ có một câu trả lời cho những nhận định sai trái của Tổ chức Phóng viên Không biên giới: Đó là thái độ thiếu thiện chí phục vụ cho mục đính chính trị./.
Thu Hoa