Đây là nhấn mạnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng 20/5.
Trình bày báo cáo tại Kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh những tháng đầu năm 2020, thế giới biến động lớn chưa từng có trong nhiều thập kỷ do tác động của đại dịch COVID-19. Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề; nhiều hoạt động kinh tế - xã hội ngưng trệ. Tuy nhiên, Việt Nam đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc, tập trung thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh với tinh thần chống dịch như chống giặc, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động KTXH và bảo đảm đời sống của nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về phòng, chống dịch COVID-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. -Ảnh: TTXVN
|
Cả nước chung sức đồng lòng chống dịch
Trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng và chưa biết điểm kết thúc, số ca nhiễm và tử vong không ngừng tăng, Việt Nam đã trở thành điểm sáng toàn cầu khi chưa có ca tử vong, khống chế dịch bước đầu thành công, được quốc tế đánh giá cao về trình độ y tế, kinh nghiệm của Việt Nam trong phát hiện, cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19 và tinh thần sẻ chia, hợp tác quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Những thắng lợi đầy ý nghĩa trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 là kết tinh của tinh thần yêu nước, niềm tin và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tất cả những điều đó thể hiện sự ưu việt, giá trị cốt lõi của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, khẳng định chân lý “Ý Đảng, Lòng Dân”, sự tin tưởng tuyệt đối của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và bản lĩnh, ý chí, truyền thống cao đẹp của nhân dân ta, của dân tộc ta."
Thủ tướng cho rằng quá trình chống dịch thời gian qua đã mang lại cho Việt Nam nhiều kinh nghiệm quý cần được tiếp tục phát huy trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong thời gian tới.
Vẫn có những điểm sáng trong phát triển kinh tế
Theo báo cáo, tác động của đại dịch COVID-19 đến Việt Nam là rất nghiêm trọng. Các hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại. Cùng với đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa đá, dịch tả lợn châu Phi…cũng gây thiệt hại lớn ở nhiều vùng, địa phương và tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam vẫn có những điểm sáng trong phát triển kinh tế, nhất là duy trì được nền tảng vĩ mô ổn định và các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển KTXH sau dịch:
"Mặc dù giảm khá mạnh so với cùng kỳ, nhưng tăng trưởng GDP quý I vẫn đạt 3,82%, thuộc nhóm cao trong khu vực và trên thế giới. Trong khó khăn, nhiều địa phương vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao. Chúng ta vẫn duy trì sản xuất kinh doanh, không để rơi vào suy thoái; trong khi hầu hết các nước, đối tác lớn đều tăng trưởng âm. An ninh năng lượng, lương thực được bảo đảm, cung cấp đủ nhu yếu phẩm cho người dân, nhất là giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội."
Cùng với đó, an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Việt Nam tiếp tục làm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô, phục hồi nhanh nền kinh tế
Trong những tháng còn lại của năm 2020 và thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ cùng với làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, Chính phủ chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển KTXH, trong đó xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới.
"Chính phủ tiếp tục xây dựng và đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy hồi phục và phát triển kinh tế, xem xét đưa ra gói kích thích kinh tế mới trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn kéo dài trên phạm vi toàn cầu; kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp; bảo đảm nguồn lực cho phòng chống dịch và an sinh xã hội; góp phần củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp."
Cùng với đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam, tận dụng cơ hội của các hiệp định thương mại tự do; duy trì, phục hồi các thị trường xuất khẩu hiện có và mở rộng các thị trường mới; phát triển mạnh thị trường trong nước, thương mại điện tử…
Cuối cùng, Thủ tướng nhấn mạnh, chăm lo đời sống nhân dân và phát triển văn hóa, xã hội là một nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Càng trong điều kiện khó khăn, càng phải thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là người có công, người nghèo, người mất việc làm, người yếu thế, không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau. Thủ tướng tin tưởng, với tinh thần đồng sức, đồng lòng, một khí thế mới, quyết tâm mới, giai đoạn sắp tới, Việt Nam sẽ vượt khó đi lên, bảo đảm sản xuất, đời sống, ổn định xã hội để thực hiện mục tiêu kép là đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế xã hội.