(VOV5) - Trong phiên làm việc sáng 12/11 của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII, thay mặt chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo tổng hợp của chính phủ trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3, quốc hội khoá XIII. Đây là lần đầu tiên Chính phủ có báo cáo cụ thể về việc thực hiện các nội dung mà các thành viên chính phủ đã hứa trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước:. Sau đây, biên tập viên Đài tiếng nói Việt nam xin trích nội dung cơ bản của báo cáo với nội dung:”Quyết tâm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội” .
|
Báo cáo tổng hợp của Chính phủ đã đề cập khá toàn diện đến các vấn đề kinh tế và xã hội của Việt nam. Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết vừa qua, vốn ngân sách đầu tư hàng năm cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã tăng lên đáng kể với mức cao hơn mức tăng chung của nền kinh tế. Năm 2011 tăng 34,7%, năm 2012 tăng 28%. Theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo và đã trở thành phong trào chung của cả nước. Vốn ngân sách bố trí cho lĩnh vực này trong hai năm 2011 và 2012 đạt khoảng 18.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn này chưa đáp ứng được yêu cầu, một số tiêu chí nông thôn mới đề ra còn bất cập. Để khắc phục, Phó thủ tướng cho biết:”Chính phủ sẽ sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và chính sách tín dụng trong nông nghiệp, nông thôn; tăng vốn đầu tư cho các chương trình hỗ trợ có mục tiêu đang triển khai; vận động các nguồn vốn khác và áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù để đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình nông thôn mới; sửa đổi bộ tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp”.
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chính phủ đã tập trung chỉ đạo củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú; phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người; hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú; thực hiện chính sách phát triển giáo dục đào tạo và dạy nghề, ưu tiên tuyển sinh đại học, cao đẳng đối với con em các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.
Về kinh tế - tài chính, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ đang xem xét ban hành Đề án tái cơ cấu thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm, dự kiến đến năm 2015 hoàn thành căn bản cơ cấu lại các tổ chức kinh doanh chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm đồng thời đang hoàn thiện lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2011 - 2020. Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, trong đó đã chỉ đạo tổ chức đánh giá, phân loại, phê duyệt, thực hiện phương án cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém. Đối với việc xử lý nợ xấu, chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp như: cơ cấu lại nợ, giãn nợ, bán nợ xấu có tài sản bảo đảm...tuy vậy, đến nay, tiến độ xử lý nợ xấu còn chậm, kết quả còn hạn chế. Đây là vấn đề bức xúc, đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của ngành ngân hàng và các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan: Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện cơ cấu lại theo lộ trình, xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém; khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xử lý nợ xấu, minh bạch hoá và triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu; tăng cường thanh tra, giám sát hệ thống ngân hàng, tiếp tục chỉ đạo xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng”.
Về chính sách tiền tệ, Phó thủ tướng cho biết, việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng đã góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng lại khiến sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Giải quyết vấn đề này, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp đã đề ra nhằm kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất phù hợp, bảo đảm tăng trưởng tín dụng đi đôi với an toàn hệ thống.
Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong đó đã đưa ra những định hướng, mục tiêu và giải pháp cho quá trình tái cơ cấu để doanh nghiệp nhà nước hoạt động ngày càng hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường : Chính phủ đang phê duyệt Đề án tái cơ cấu của 20 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và xây dựng Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của từng tập đoàn kinh tế, Điều lệ mẫu tổ chức và hoạt động của tổng công ty nhà nước. Những hạn chế, yếu kém của doanh nghiệp nhà nước, quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu nhà nước đã được nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá trong Đề án tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trình Hội nghị Trung ương 6 (khoá XI). Hiện Chính phủ đang tích cực chỉ đạo thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 6 và Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã được phê duyệt
Báo cáo cũng đề cập lộ trình thực hiện thị trường cạnh tranh, chống độc quyền, nhất là đối với các sản phẩm điện, xăng dầu, than, vật tư nông nghiệp. Liên quan đến đầu tư công, tại kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch đầu tư từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 - 2015 để các cấp, các ngành, các địa phương chủ động cân đối nguồn lực, xác định cụ thể lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, Chính phủ đã chỉ đạo tích cực chuẩn bị Luật Đầu tư công; xây dựng Nghị định về kế hoạch đầu tư trung hạn và sớm ban hành Đề án tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công./.