(VOV5) - Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản VN đã kết luận 4 vấn đề lớn là việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, chính sách pháp luật về đất đai, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và một số vấn đề về chính sách xã hội, tiền lương từ nay đến năm 2020. Trong phiên bế mạc Hội nghị ngày 15-5 tại Hà nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu, làm rõ thêm và khái quát những kết quả quan trọng mà Hội nghị đã đạt được.
Tổng kết, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là một nội dung rất lớn, đặc biệt quan trọng của Hội nghị lần này. Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đến nay, Hiến pháp năm 1992 đã đi qua chặng đường 20 năm. Đại hội XI của Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); có nhiều vấn đề mới được đặt ra, có những quy định của Hiến pháp năm 1992 đã bị thực tiễn vượt qua, không còn phù hợp. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là yêu cầu khách quan, cần thiết. TBT Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Tại Hội nghị lần này, Trung ương đã xem xét, thảo luận Báo cáo của Uỷ ban dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, cơ bản tán thành nhiều nội dung của Báo cáo và Tờ trình. Đồng thời tiếp tục nhấn mạnh, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc đặc biệt quan trọng, nhạy cảm, phải có quan điểm và cách nhìn toàn diện, biện chứng, cụ thể, lịch sử, có cách làm khoa học, thận trọng; tránh tư duy tư biện, xa rời thực tiễn. Các đề xuất sửa đổi, bổ sung phải dựa trên kết quả tổng kết sâu sắc thực tế thi hành Hiến pháp năm 1992 và các đạo luật có liên quan; quán triệt đầy đủ yêu cầu thể chế hoá Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; tiếp tục kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh các yêu cầu sửa đổi Hiến pháp về chế độ chính trị, chế độ kinh tế ở VN. Theo đó, chế độ dân chủ ở VN là dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nhà nước VN là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. VN chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Về quy trình sửa đổi Hiến pháp, Tổng bí thư yêu cầu thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 2 (khoá XI) và Điều 147 của Hiến pháp hiện hành, tiến hành một cách chặt chẽ, khoa học, bảo đảm sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân về các nội dung sửa đổi, để Quốc hội có đầy đủ cơ sở xem xét, quyết định.
Về chính sách, pháp luật đất đai, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Hội nghị tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; đồng thời quy định rõ ràng, cụ thể hơn các quyền của đại diện chủ sở hữu và quyền thống nhất quản lý của Nhà nước. Điểm mới lần này là Trung ương nhận thức rõ ràng hơn và quy định rành mạch hơn sự khác nhau giữa quyền sở hữu đất và quyền sử dụng đất; quyền và trách nhiệm của Nhà nước với quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đối với từng loại đất. Tổng bí thư nhấn mạnh: Khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và hoàn thiện pháp luật về đất đai để sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại hiện nay, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phân bổ hợp lý, sử dụng đất đai đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả, bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường sinh thái. Nâng cao chất lượng và bảo vệ đất canh tác nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giữ vững ổn định chính trị - xã hội và phát triển bền vững. Phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất, bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Tổng bí thư khẳng định tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Sau khi chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực này, Tổng bí thư yêu cầu: Trung ương nhấn mạnh, phải kiên trì và đẩy mạnh nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI). Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X), gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI). Chú trọng cả phòng và chống, cả phòng, chống tham nhũng và phòng, chống lãng phí. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền và người đứng đầu; bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế, xã hội; mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch; phát huy vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, nhân dân và công luận.
Theo Tổng bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị; lập lại Ban Nội chính Trung ương, vừa thực hiện chức năng một ban đảng, đồng thời là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Về một số vấn đề về chính sách xã hội và tiền lương từ nay đến năm 2020, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải nghiêm túc quán triệt các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, coi việc không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người có công và bảo đảm an sinh xã hội là một nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng.Bên cạnh đó, phải khẩn trương nghiên cứu xây dựng Đề án cải cách chế độ tiền lương giai đoạn 2013 - 2020 cùng với các đề án có liên quan, tạo bước đột phá trong việc tạo nguồn, bảo đảm cho cải cách tiền lương thu được kết quả ./.