(VOV5) - Những căng thẳng kinh tế hiện nay giữa Mỹ và châu Âu sẽ không chỉ dừng lại ở tình trạng hiện tại mà sẽ trở thành một cuộc chiến tranh kinh tế toàn diện trong tương lai gần.
Những bất đồng giữa Mỹ - EU xung quanh việc Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran chưa lắng dịu thì nay, quan hệ giữa 2 đồng minh chủ chốt này lại đứng trước sóng gió mới. Quyết định của Mỹ về việc áp đặt các mức thuế quan đối với sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6 là đòn giáng mạnh vào quan hệ đồng minh được xây dựng bao lâu nay. Thậm chí quyết định này thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại giữa 2 bên, khiến khoảng cách giữa Mỹ và EU ngày một gia tăng.
Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker trong cuộc họp báo tại Brussels, Bỉ ngày 23/3 - Ảnh: THX/TTXVN
|
Quyết định áp 25% thuế đối với sản phẩm thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ EU có hiệu lực sau khi chấm dứt thời hạn miễn trừ kéo dài 2 tháng (đến hết ngày 31/5) của Mỹ đối với các mặt hàng này.
Trước đó hồi tháng 3/2018, Mỹ quyết định tăng thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, Washington tạm miễn áp mức thuế mới này đối với một số đối tác trong đó có EU, để thương lượng thêm cho đến ngày 1/6.
Với diễn biến mới này, căng thẳng thương mại Mỹ-EU là chủ đề nóng tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Phát triển và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) khai mạc ngày 31/5 ở Whistler (Canada).
Nước Mỹ trên hết
Với kế hoạch áp thuế này, 1 lần nữa chủ trương nước Mỹ trên hết của ông Trump bộc lộ rõ. Lợi ích của nước Mỹ là ưu tiên số 1, bất chấp phải đánh đổi cả quan hệ đồng minh lâu năm, thận cận nhất của Mỹ. Tổng thống Donald Trump biện minh rằng việc áp thuế là để bảo vệ an ninh quốc gia và bảo vệ các nhà sản xuất Mỹ trước sự lấn át của các nhà sản xuất nước ngoài ngay tại "sân nhà.". Mỹ là nước nhập khẩu thép lớn nhất thế giới với lượng nhập khẩu gấp 4 lần so xuất khẩu, trong khi lượng nhôm nhập khẩu cao gấp 5 lần sản lượng nhôm sản xuất tại Mỹ năm 2016. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross thì đẩy trách nhiệm cho EU khi cho rằng các cuộc đàm phán với EU đã không đạt được một thỏa thuận thỏa đáng nhằm thuyết phục Washington tiếp tục miễn trừ các mức thuế đối với châu Âu. Mỹ chờ mong tiếp tục đàm phán với EU do còn tồn tại quá nhiều vấn đề cần giải quyết.
Trên thực tế, bất đồng thương mại giữa Mỹ và EU không chỉ là chuyện liên quan đến sản phẩm thép và nhôm. Năm ngoái, EU xuất khẩu sản phẩm thép và nhôm sang thị trường Mỹ chỉ với giá trị 6 tỷ USD, trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu của EU sang Mỹ hơn 300 tỷ USD, tức là tỷ trọng của sản phẩm thép và nhôm của EU trong thâm hụt cán cân thương mại của Mỹ với EU chỉ là rất nhỏ. Từ đó có thể thấy, việc áp dụng những biện pháp bảo hộ mậu dịch của chính quyền Trump nhằm vào sản phẩm thép và nhôm của EU xuất sang thị trường Mỹ chỉ là cái cớ. Ông Trump chỉ muốn thể hiện điều đó cho người dân Mỹ thấy mình kiên định và triệt để như thế nào với việc thực hiện khẩu hiệu "Nước Mỹ là trên hết".
Ảnh hưởng tiêu cực tới tự do thương mại
Theo EU, quyết định áp thuế của Mỹ chính là sự quay lưng của Mỹ với các đối tác gần gũi. Trước động thái của Mỹ, EU không còn biện pháp nào khác ngoài việc phải bảo vệ các ngành công nghiệp, việc làm và lợi ích của khối. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tuyên bố EU sẽ đưa tranh cãi thương mại này ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và có các biện pháp đáp trả tương ứng và phù hợp với quy định của WTO. Theo giới phân tích, ông Trump có thể phớt lờ hoặc thậm chí rút khỏi tổ chức WTO. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là nó có thể gây ra hiệu ứng domino khi các nước cũng lấy lý do an ninh quốc gia để kích hoạt các biện pháp thương mại.
Thậm chí những căng thẳng kinh tế hiện nay giữa Mỹ và châu Âu sẽ không chỉ dừng lại ở tình trạng hiện tại mà sẽ trở thành một cuộc chiến tranh kinh tế toàn diện trong tương lai gần.
Ngay tại Mỹ, việc áp đặt mức thuế quan mới sẽ không bảo vệ được lợi ích và việc làm của nước này như mục tiêu của ông Donald Trump mà chỉ làm tăng giá hàng hóa và đối tượng chịu thiệt thòi là người tiêu dùng, đồng thời, kinh tế Mỹ, EU cũng như kinh tế thế giới sẽ cùng bị ảnh hưởng. Nhiều lãnh đạo của các doanh nghiệp trong ngành năng lượng Mỹ lo ngại việc nâng thuế này “phá hỏng” nhiều dự án đường ống dẫn dầu, giàn khoan dầu, cũng như các nhà máy lọc dầu mới,...trong thời gian tới.
Sau quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Mỹ mới đây, một thỏa thuận mà EU rất ủng hộ, việc Washington tăng thuế đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu từ EU đã đẩy EU và Mỹ ngày càng cách xa nhau. Có thể nói quan hệ đồng minh Mỹ - EU đang ở trong giai đoạn tồi tệ nhất trong nhiều năm trở lại đây.