(VOV5) - Ngày 19/8, nhân dân Việt Nam kỷ niệm 68 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. 68 năm đã trôi qua, nhưng bài học về nắm bắt thời cơ và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc của cuộc Cách mạng lịch sử vẫn còn nguyên giá trị.
|
Mít tinh trước Quảng trường Nhà hát lớn ngày 19 tháng 8 năm 1945. (Ảnh: baodienbienphu) |
Trước hết phải khẳng định Cách mạng tháng 8 năm 1945 nhanh chóng giành thắng lợi là kết quả của sức mạnh khối đoàn kết toàn dân. Đảng Cộng sản Việt Nam đã xuất phát từ chính lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân để tổ chức, tập hợp lực lượng. Theo ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Măt trận Tổ quốc Việt Nam, thời điểm đó, Đảng chưa công khai lãnh đạo. Với 5 nghìn đảng viên, thông qua Mặt trận Việt Minh, Đảng đã tập hợp trên 20 triệu đồng bào làm cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử. Hình ảnh đại đoàn kết dân tộc được thấy rất rõ trong “Quốc dân đại hội” do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa chỉ 2 ngày trước khi Tổng khởi nghĩa tháng 8 diễn ra. Ở đó, người ta thấy đại biểu các đảng phái chính trị, các đoàn thể nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, đại biểu 3 miền Trung, Nam, Bắc và đại biểu Việt kiều. Quốc dân đại hội đã nhiệt liệt tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng và cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam (Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa) do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Khẳng định bài học tuyệt vời nhất của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là việc xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng chính sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đã thôi thúc nhân dân vùng lên đem sức ta giải phóng cho ta: “Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc là quan điểm nhất quán, quan điểm có tính chiến lược của Đảng cộng sản Đông Dương ngay từ khi mới ra đời và cũng là tư tưởng lớn của chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8 là sự nổi dậy của toàn dân, tất cả công nhân, nông dân, trí thức, các nhà văn hóa, thậm chí vận động binh lính bên đối phương tham gia sự nghiệp giải phóng. Có thể nói cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8 tiêu biểu cho sức mạnh dân tộc và khối đại đoàn kết toàn dân của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh.”
Bên cạnh yếu tố đoàn kết, Cách mạng Tháng Tám thành công còn là nhờ sự hội tụ những điều kiện khách quan và chủ quan khác nhau, và một trong những điều kiện đó là việc Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận định về thời cơ và chớp lấy thời cơ. Tiến sỹ sử học Phạm Xanh phân tích: “Tình huống phát xít Nhật đầu hàng đồng minh (ngày 13/8) là cơ hội vàng cho các nước ở châu Á đứng lên làm cách mạng. Tuy nhiên chỉ có riêng Đảng Cộng sản Việt Nam sử dụng cơ hội, lợi dụng cơ hội đó để giành thắng lợi. Nếu chúng ta giành chính quyền trước ngày 15/8, thì chúng ta thất bại vì lúc đó có cả Pháp, cả Nhật và thậm chí có nhiều phe phái. Nếu cách mạng của chúng ta diễn ra sau ngày 5/9, ngày theo Hiệp ước của đồng minh là quân đồng minh vào tước khí giới của quân Nhật ở Việt Nam, thì chúng ta không những đối đầu với 1 mà đối đầu với nhiều kẻ thù, cho nên khả năng thành công là không có. Như vậy cách mạng tháng 8 có thể giành được chính quyền về tay nhân dân chỉ trong khoảng từ 15/8 đến trước ngày 5/9 và kịch bản đó chúng ta đã thực hiện một cách xuất sắc. Đây là bài học lớn về thời cơ.”
Nhờ vận dụng tốt sức mạnh đại đoàn kết dân tộc cũng như nắm bắt thời cơ kịp thời, tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 đã giành được thắng lợi nhanh chóng, ít đổ máu, tạo nên một trong những trang sử vẻ vang nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng Tháng 8 đã giúp nhân dân Việt Nam đập tan ách nô lệ của phát-xít Nhật, lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp, xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm, đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình./.