Sự lỗi thời của một lệnh cấm vận

(VOV5) - Ngày 7/2 vừa qua đánh dấu 50 năm ngày chính quyền Mỹ bắt đầu chính sách bao vây, cấm vận chống Cuba. Sau nửa thế kỷ, trải qua 9 đời Tổng thống Mỹ, lệnh cấm vận này ngày càng phi lý, lỗi thời và cho thấy sự thất bại của chính Mỹ trong việc chống lại cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tại Cuba.

 

Sự lỗi thời của một lệnh cấm vận - ảnh 1


Báo cáo của Văn phòng kế toán chính phủ Mỹ (GAO) cho biết lệnh cấm vận của Mỹ chống Cuba được xem là gây thiệt hại nặng nề nhất trong số 20 lệnh cấm vận mà Mỹ áp đặt với các nước. Theo nhiều nhà quan sát, đây còn là lệnh cấm vận toàn diện và dài nhất trong lịch sử đối với một quốc gia có chủ quyền. Điều này được minh chứng bởi thống kê mới nhất do chính phủ Cuba vừa công bố. Lệnh cấm vận kéo dài suốt 50 năm qua đã gây thiệt hại khoảng 975 tỷ USD cho nền kinh tế Cuba. Đó là chưa kể việc hiện nay, Cuba không được phép nhập và xuất khẩu hàng hoá từ Mỹ, không được sử dụng đồng USD trong các giao dịch với đối tác nước ngoài cũng như không được tiếp cận với các cơ chế tín dụng quốc tế lớn. Tuy nhiên, thực tế chính dư luận Mỹ lại cho rằng lệnh cấm vận này chẳng khác nào hình ảnh gậy ông đập lưng ông hay nói cách khác Mỹ còn thiệt hại nhiều hơn cả Cuba. Trước hết xét trên bình diện kinh tế, các công ty Mỹ không hợp tác được với Cuba, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu khí, lĩnh vực mà Mỹ rất cần trong khi Cuba dồi dào tài nguyên về dầu thô và khí đốt tự nhiên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Mỹ đã trao lợi thế cạnh tranh cho các công ty nước ngoài.

 

Trên bình diện chính trị, lệnh cấm vận Cuba do Mỹ áp đặt từ năm 1962 là vấn đề gây bất đồng sâu sắc nhất giữa Mỹ và các nước Mỹ La tinh, khu vực vốn được coi là sân sau của Mỹ. Hầu hết các nhà lãnh đạo ở Mỹ La tinh đều coi lệnh cấm này là sự can thiệp thô bạo lên quyền tự quyết của nhân dân Cuba. Nó cho thấy Mỹ vẫn tiếp tục muốn làm chính sách cho Mỹ La tinh chứ chưa muốn làm chính sách cùng Mỹ La tinh.  Thậm chí, ngay trong những ngày đầu tháng 2 vừa qua, 33 quốc gia Nam Mỹ và vùng Caribe đã chính thức thành lập Cộng đồng các quốc gia Mỹ La tinh và Caribe (CELAC). Tổ chức này có Cuba mà không có Mỹ, với nguyên tắc tôn trọng dân chủ, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước thành viên, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, bảo vệ môi trường, nhân quyền và luật pháp quốc tế, kiến tạo hoà bình và an ninh khu vực. Với sự ra đời của CELAC, các nước vốn được coi là sân sau của Mỹ ngày càng bày tỏ rõ ràng tình đoàn kết với nhân dân Cuba.

               

Sự lỗi thời của một lệnh cấm vận - ảnh 2

Tại diễn đàn Liên hợp quốc trong suốt 20 năm qua, phần lớn quốc gia trong số hơn 190 thành viên Liên hợp quốc đã kêu gọi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba tại các phiên họp Đại hội đồng. Trong lần bỏ phiếu gần đây nhất (tháng 10/2011), Đại hội đồng một lần nữa đồng loạt khẳng định ủng hộ nhân dân Cuba khi yêu cầu Mỹ chấm dứt ngay chính sách đơn phương cấm vận kinh tế mà Mỹ áp đặt chống quốc gia láng giềng trong nửa thế kỷ qua. Theo các nhà quan sát, xem ra lệnh cấm vận của Mỹ còn phản tác dụng ở chỗ bất chấp mọi khó khăn, Cuba vẫn kiên cường phát triển. Kết thúc năm 2011, kinh tế Cuba vẫn đạt mức tăng trưởng 2,7%. Thậm chí, các tổ chức quốc tế còn nhận xét rằng Cuba đạt được những thành tựu xã hội hơn hẳn Mỹ như bảo vệ sức khoẻ toàn dân, giáo dục đại học và phổ thông,…Như vậy, rõ ràng ý đồ ban đầu mà Mỹ mong muốn khi áp dụng lệnh cấm vận là đổi màu cách mạng Cuba đã thất bại. Nhiều chính trị gia Mỹ gần đây cũng đã nhận thấy rằng cải thiện quan hệ song phương Cuba - Mỹ cần phải trở thành nhu cầu và xu thế tất yếu. Tổng thống Mỹ Barak Obama trong 3 năm cầm quyền vừa qua đã có những chính sách nới lỏng lệnh cấm vận chống Cuba như dỡ bỏ hạn chế số tiền gửi và số lần về thăm quê hương của kiều dân Cuba, cho phép nối lại đàm phán về dịch vụ thư tín và di cư, khôi phục trao đổi hợp tác giáo dục…..nhưng theo nhiều nhà bình luận quốc tế những việc làm này mới chỉ như muối bỏ biển.

               

Trong bối cảnh hiện nay, chính sách bao vây cấm vận của Mỹ chống Cuba rõ ràng trở nên quá lạc hậu. Xem ra, nếu không dỡ bỏ lệnh cấm vận chống Cuba, Mỹ sẽ tiếp tục đi ngược lại với xu thế của thời đại./.

 

Phản hồi

Các tin/bài khác