Sửa đổi Bộ luật tố tụng dân sự đảm bảo quyền lợi của công dân

(VOV5) - Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, lần đầu tiên dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) được đưa ra Quốc hội thảo luận. Đây là đạo luật quan trọng trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, liên quan mật thiết đến đời sống hàng ngày của người dân. 


Sửa đổi Bộ luật tố tụng dân sự đảm bảo quyền lợi của công dân - ảnh 1


Dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) được Quốc hội giao cho Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, soạn thảo. Dự án Bộ luật tố tụng dân sự này nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối cùa nhà nước Việt Nam về cải cách tư pháp, trong đó yêu cầu đổi mới tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng. 

Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) bảo vệ quyền lợi của công dân

Thảo luận về dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội nhất trí cao việc sửa đổi Bộ luật tố tụng dân sự là cần thiết trong tình hình hiện nay, đáp ứng yêu cầu việc công nhận, tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Tòa án nhân dân tối cao đã dành ưu tiên, thuận lợi cho người dân bảo vệ công lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân. Điểm mới trong dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) được các đại biểu Quốc hội quan tâm nhất là việc bổ sung quy định tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc vì lý do chưa có điều luật áp dụng. Cơ sở để Tòa án nhân dân tối cao đưa ra nguyên tắc này đảm bảo thể chế hóa quy định của Hiến pháp. Ông Trần Tiến Dũng, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng: “Việc bổ sung quy định tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc vì lý do chưa có điều luật áp dụng là rất quan trọng, phù hợp với xu hướng tiến bộ và phát triển của xã hội dân sự. Quy định này cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo vệ quyền công lý, quyền con người, công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân".

Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, cho biết: “Qua lấy ý kiến của nhân dân về Bộ luật dân sự sửa đổi (Bộ luật có liên quan trực tiếp tới Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi) tuyệt đại đa số các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương cũng như các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều ủng hộ quan điểm quy định tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng. Quy định này phù hợp với quy định của Hiến pháp. Sứ mệnh của tòa án thực hiện quyền tư pháp, là nơi bảo vệ công lý trong quan hệ dân sự và kinh doanh".

Nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Nhà nước bảo vệ tất cả quyền lợi ích chính đáng của nhân dân. Cái gì dân yêu cầu chính đáng thì phải được các cơ quan chức năng giải quyết. 

Bước tiến mới, phù hợp với luật pháp quốc tế

Một điểm mới quan trọng nữa được bổ sung vào dự án Bộ luật tố tụng dân sự lần này là quy định án lệ. Án lệ là những bản án chuẩn mực mà tòa án các cấp phải nghiên cứu áp dụng. Án lệ vừa có giá trị pháp lý và vừa có tính chuẩn mực bắt buộc. Từ trước tới nay, tòa án chỉ căn cứ vào Hiến pháp và pháp luật để xét xử nên không có án lệ về các loại vụ việc chưa có quy định của pháp luật.

Thảo luận tại Quốc hội, các đại biểu Quốc hội khẳng định quy định án lệ được đưa vào dự án Bộ luật tố tụng dân sự lần này là bước tiến mới, phù hợp với xu thế quốc tế hiện nay. Ông Trương Hòa Bình, Chánh án tòa án nhân dân tối cao, đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, Trưởng Ban soạn thảo dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), cho biết:  “Án lệ liên quan tới bảo vệ luật pháp nên phải thiết kế cho phù hợp. Chúng tôi đang rà soát tất cả các bản án giám đốc thẩm mà đã được xét xử từ trước tới nay những bản án nào mang tính chuẩn mực để áp dụng thống nhát và nó sẽ trở thành án lệ. Chúng tôi đang xây dựng quy trình án lệ. Theo đó, có Hội đồng thẩm định án lệ, thấy được thì mới đưa ra Hội đồng tòa án nhân dân tối cao đánh giá và khi đánh giá đồng thuận thì Chánh án tòa án nhân dân tối cao ký ban hành án lệ".

Dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tiên tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII. Vì thế, sự phản biện, tranh luận còn nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí yêu cầu bác bỏ một nội dung nào đó của dự thảo Bộ luật cũng là bình thường. Vấn đề là làm thế nào để dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) chặt chẽ mang tính khả thi. Cử tri mong chờ khâu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật này của Ban soạn thảo ngay sau kỳ họp này để tiếp tục trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới./. 

Phản hồi

Các tin/bài khác