Sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng phù hợp với yêu cầu của cuộc sống

(VOV5) - Công tác phòng chống tham nhũng và dự án Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) là nội dung được kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13 bàn thảo trong chương trình nghị sự hai ngày tới. Theo các đại biểu Quốc hội và dư luận nhân dân, Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) lần này khắc phục những hạn chế, bất cập, phản ánh chủ trương, quan điểm chỉ đạo trong một số Nghị quyết, Văn kiện của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng và đáp ứng các yêu cầu trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Phóng viên Đài TNVN tổng hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội và người dân liên quan đến vấn đề này.   


Sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng phù hợp với yêu cầu của cuộc sống - ảnh 1
(Ảnh minh họa. Nguồn: hanoimoi)


Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng đã được công bố để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân và trình Quốc hội để thông qua tại kỳ họp này. Đó là một dự Luật với những quy định mang tính khả thi, chế tài đủ mạnh và hạn chế tối đa những kẻ hở mà tội phạm tham nhũng có thể lợi dụng. Việc sửa đổi Luật lần này nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng các thiết chế phòng ngừa tham nhũng là nhiệm vụ then chốt, nhất là việc đẩy mạnh công khai, minh bạch hoạt động công quyền, gắn với các biện pháp nâng cao trách nhiệm giải trình của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thảo luận tại nghị trường Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội cho rằng việc sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng lần này phải thay đổi một số cơ chế nhằm tăng cường tính răn đe, ngăn chặn hành vi tham nhũng. Ông Nguyễn Bá Thuyền, đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, cho rằng: “Có một nguyên nhân là cơ chế đấu tranh chống tham nhũng. Nếu như chúng ta cho phép theo dõi đối với một số đối tượng mà có quy định cụ thể thì tôi nghĩ là tham nhũng bắt được. Nếu như chúng ta không sửa đổi cơ chế đó thì đấu tranh chống tham nhũng không có hiệu quả”.

Thực tế cho thấy, việc kê khai tài sản theo Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 vẫn còn hình thức, đối tượng kê khai không đúng, không trúng. Muốn phòng chống tham nhũng phải kiểm soát được tài sản của mọi đối tượng trong xã hội, nhất là đối với những người có chức vụ, quyền hạn. Vì vậy, Dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) lần này tập trung sửa đổi, bổ sung quy định về việc công khai kết quả kê khai tài sản, thu nhập ở nơi công tác và nơi cư trú; từng bước mở rộng diện kê khai và phạm vi công khai việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; xác minh nguồn gốc và xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được nguồn gốc. Qua đó, quy định cụ thể hơn trong việc thực hiện công khai, minh bạch tài sản, thu nhập. Dư luận nhân dân rất quan tâm và đồng tình với những sửa đổi này. Ông Lương Ngọc Sơn, người dân Hà Nội, bày tỏ: “Giải pháp quan trọng nhất là muốn phòng chống được tham nhũng thì trước hết là phải thực hiện dân chủ, công khai và minh bạch. Nếu như chúng ta không thực hiện được điều này thì rất khó”.


Các nội dung sửa đổi trong Luật phòng, chống tham nhũng lần này thể hiện quyết tâm của Đảng trong việc đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, đáp ứng nguyện vọng của người dân. Ông Trần Đình Trù, ở Hà Nội, cho rằng: “Phát huy tinh thần chống tham nhũng của toàn dân, phải yêu cầu những người có chức có quyền kê khai tài sản. Kê khai tài sản là để cho toàn dân biết, quản lý thì mới chống được tham nhũng”.


Một trong những nội dung quan trọng nhất của Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi lần này là việc thay đổi mô hình Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng. Cùng với việc hoàn thiện bộ máy phòng chống tham nhũng theo mô hình mới, dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi lần này tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, sử dụng nguồn nhân lực trong phòng chống tham nhũng, làm rõ mối quan hệ giữa Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng với các cơ quan chức năng của Nhà nước và phát huy cao độ vai trò giám sát của nhân dân trong phòng chống tham nhũng./.

 

 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác