Cần những quyết sách mạnh hơn để phát triển kinh tế - xã hội

(VOV5)- Kinh tế thế giới đang biến động phức tạp, kinh tế toàn cầu suy giảm và khó khăn đặt ra những thách thức lớn trong lựa chọn chính sách và điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và năm 2013. Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13 dành  nhiều thời gian bàn các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội những tháng còn lại của năm 2012 và năm 2013. Những vấn đề được tập trung thảo luận là: giải pháp để khắc phục nợ xấu, hàng tồn kho, kích cầu tiêu dùng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng, đổi mới mạnh hơn nữa giáo dục đại học…


Cần những quyết sách mạnh hơn để phát triển kinh tế - xã hội            - ảnh 1

Quang cảnh kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XIII. (Ảnh: Hoàng Long)

Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà Chính phủ đã đặt ra. Theo các đại biểu, Chính phủ cần phối hợp hài hòa, linh hoạt giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để từng bước hạ lãi suất tín dụng, giải quyết nợ xấu, ổn định tỷ giá đồng tiền và kiềm soát nợ công ở mức an toàn cho phép. Việc Chính phủ đang tính tới việc thành lập Uỷ ban quốc gia để giải quyết nợ xấu ngân hàng được các đại biểu đồng tình, ủng hộ.

Ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng “Nợ xấu mà chúng ta để dai dẳng thì rất khó. Theo tôi, nợ xấu đã bắt đầu có từ năm 2008, năm 2009 chúng ta kích cầu nên làm cho lượng tiền tung ra càng lớn, khiến nợ xấu ngày càng tăng. Vì vậy, tôi mong Chính phủ phải giải quyết sớm vấn đề nợ xấu, phân tích rõ ràng thì nền kinh tế của chúng ta mới có thể giải quyết được.


Cần những quyết sách mạnh hơn để phát triển kinh tế - xã hội            - ảnh 2


Ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại nghị trường nhấn mạnh tái cấu trúc nền kinh tế phải là một trong những ưu tiên của Chính phủ. Ông Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng việc tái cấu trúc nền kinh tế phải đặt trong một tổng thể lớn hơn nữa “Tôi đề nghị lập Uỷ ban quốc gia về tái cơ cấu kinh tế. Uỷ ban quốc gia này do Thủ tướng đứng đầu. Uỷ ban đứng ra giải quyết cả vấn đề tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu ngân hàng, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và đặc biệt là giải quyết vấn đề nợ xấu. Kinh nghiệm thế giới cho rằng tự thân ngân hàng thương mại không giải quyết được nợ xấu nếu như không coi đó là vấn đề quốc gia.


Cần những quyết sách mạnh hơn để phát triển kinh tế - xã hội            - ảnh 3

Ông Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh

Ông Vũ Viết Ngoạn, chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho rằng kinh tế của Việt Nam đang rơi vào tình trạng tổng cung và tổng cầu đều thấp. Tổng cầu ở đây bao gồm cả đầu tư và tiêu dùng. Vì thế, Chính phủ nên phát hành trái phiếu công trình để tăng tổng cầu cho xã hội và giải quyết hàng tồn kho liên quan đến xây dựng “Phải quyết liệt kích cầu. Nếu không kích cầu thì hàng tồn kho không thể tiêu thụ được. Đề nghị phát hành trái phiếu công trình. Lựa chọn một số công trình thiết thực, quan trọng để phát hành trái phiếu. Từ đó, tiêu thụ được sắt, thép, xi măng, vật liệu xây dựng.

Một số đại biểu phân tích thực tế nhiều doanh nghiệp giải thể từ đầu năm đến nay kéo theo hàng vạn lao động thất nghiệp đã đặt ra bài toán về giải quyết việc làm. Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, cho rằng cần phải có căn cứ để đưa ra chỉ tiêu tạo việc làm cho gần 1,6 triệu lao động trong năm 2013: “Chỉ tiêu về việc làm Quốc hội giao 1,6 triệu lao động, trong đó có 9 vạn lao động đi làm việc ở nước ngoài và ước thực hiện năm 2012 là 1,52 triệu. Tuy con số thống kê là vậy nhưng thực chất con số người được giải quyết việc làm chưa thật bền vững, và có trùng lắp nhất định về số lượt người. Về vấn đề này tôi nghĩ phải cân nhắc, xem xét để có những điều chỉnh cho phù hợp trong những năm tới.

Cần những quyết sách mạnh hơn để phát triển kinh tế - xã hội            - ảnh 4


Cùng với việc đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu ngân hàng, các đại biểu cũng đề nghị phải tái cơ cấu các trường đại học, cao đẳng, khắc phục tình trạng phát triển tự phát như hiện nay. Bà Ngô Thị Minh, phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng một địa phương cần bao nhiêu trường đại học, cao đẳng, ngành nghề gì cũng phải tính toán để làm quy hoạch “Nếu như chúng ta không cân đối, không khảo sát theo nhu cầu thực là gì mà cứ phát triển và tăng tuyển mới thì người học cứ học, còn thẩm thấu ra xã hội thế nào không quan tâm thì hậu quả rất lớn. Tôi nói ví dụ, một doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm mà không chịu trách nhiệm đầu ra và không tiêu thụ được sản phẩm, vậy ai sẽ phải gánh hậu quả.

Theo các đại biểu, tính đến thời điểm này, công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 đang đi đúng hướng, hoàn thành nhiệm vụ mà Nghị quyết của Đảng và Quốc hội đã đề ra. Những điểm sáng trong bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội 9 tháng qua đạt được là: Ổn định kinh tế vĩ mô; Đảm bảo an sinh xã hội; Dự trữ ngoại hối tăng gấp đôi so với thời điểm gặp khó khăn; Lạm phát bước đầu đã được kiềm chế. Để đạt được các mục tiêu phát triển trong năm 2013, Quốc hội cho rằng Chính phủ cần thực hiện những quyết sách mạnh mẽ, linh hoạt và hơn bao giờ hết, cần huy động sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị cùng thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác