(VOV5) - Thời điểm CHDCND Triều Tiên phóng vệ tinh quan sát trái đất mang tên Kwangmyongsong 3 (Ngôi sao sáng) đang đến gần. Đi kèm với đó là sự gia tăng những phản ứng mạnh mẽ của một số quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, bất chấp việc CHDCND Triều Tiên khẳng định rằng việc phóng vệ tinh là vì mục đích hoà bình, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Về mặt cơ học, không rõ nhiệt năng toả ra từ việc phóng vệ tinh Kwangmyongsong 3 lớn đến mức nào song trên bình diện chính trị, nó đã đủ làm nóng bầu không khí chính trị thế giới.
Theo giới chức CHDCND Triều Tiên, vệ tinh Kwangmyongsong 3 được đưa lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy tầm xa Unha-3 trong tháng này. Vệ tinh có trọng lượng 91 tấn sẽ được phóng đi từ một bệ phóng ở khu vực phía Bắc CHDCND Triều Tiên và hướng thẳng xuống phía Nam. Theo dự đoán, vệ tinh sẽ tách bộ phận chứa nhiên liệu giai đoạn 1 xuống biển Hoàng Hải cách bán đảo Byeonsan của Hàn Quốc khoảng 160 km, sau đó thực hiện tách giai đoạn 2 tại khu vực cách đảo Luzon của Philippines khoảng 140 km về phía Đông. Tên lửa đẩy Unha-3 được trang bị một hệ thống tự hủy, vì vậy sẽ không ảnh hưởng tới các nước khác trong khu vực. Bình Nhưỡng cũng khẳng định đây là vệ tinh hòa bình nhằm phát triển khoa học kỹ thuật của CHDCND Triều Tiên và việc phóng này đã được lên kế hoạch từ lâu. Toàn bộ quá trình phóng vệ tinh sẽ đảm bảo tính hợp pháp và tính minh bạch. Để minh chứng kế hoạch phóng vệ tinh sắp tới là phục vụ mục đích dân sự, CHDCND Triều Tiên đã cho phép hàng chục phóng viên nước ngoài tới trung tâm vũ trụ Tongchang-ri, nơi sẽ tiến hành phóng tên lửa đẩy mang vệ tinh quan sát trái đất lên quỹ đạo. Đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng cho phép giới truyền thông quốc tế tiếp cận trung tâm vũ trụ của nước này. CHDCND Triều Tiên cũng đã mời cơ quan vũ trụ của nhiều nước tới quan sát vụ phóng vệ tinh.
Bất chấp lý giải và thái độ thiện chí của CHDCND Triều Tiên, nhiều quốc gia đã bày tỏ quan ngại về kế hoạch này, trong đó Mỹ, Nhật bản, Hàn Quốc phản ứng mạnh mẽ nhất. Các nước này biện minh rằng thực chất đây là vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm xa, vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Chính vì vậy, trong một phản ứng được cho là khá gay gắt ngay sau khi CHDCND Triều Tiên tuyên bố phóng vệ tinh, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nói rằng tuyên bố trên mang tính khiêu khích cao đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng thực hiện nghiêm túc Nghị quyết cấm nước này phóng tên lửa sử dụng công nghệ đạn đạo của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bà Hillary Clinton khẳng định hành động phóng tên lửa như vậy sẽ đe dọa an ninh khu vực. Mỹ cũng quyết định dừng kế hoạch viện trợ nhân đạo 240 nghìn tấn lương thực cho CHDCND Triều Tiên, một thoả thuận mà 2 bên đạt được hồi tháng 2 vừa qua. Trong động thái mới nhất, ngày 9/4, Mỹ cho biết họ đang hối thúc Trung Quốc gây sức ép để CHDCND Triều Tiên không tiếp tục phóng tên lửa theo dự kiến. Cùng chung quan điểm với Mỹ, Chính phủ Hàn Quốc cũng coi cái gọi là phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên lên quĩ đạo là nhằm phát triển các phương tiện tầm xa có thể mang đầu đạn hạt nhân sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo. Nhật Bản thì khẳng định rằng bất kỳ vụ phóng tên lửa nào của Bình Nhưỡng, dù có vệ tinh hay không, mà sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo đều vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Không chỉ dừng lại ở những lời tuyên bố, trong vài ngày gần đây, phản ứng của Nhật bản, Hàn Quốc, Mỹ đã gia tăng mạnh mẽ khi quân đội các nước này bắt đầu triển khai vũ khí quân sự hiện đại ở khu vực đông bắc Á trong bối cảnh không có dấu hiệu nào cho thấy Bình Nhưỡng sẽ huỷ bỏ việc phóng vệ tinh bằng tên lửa đẩy. Tại Tokyo, các khẩu đội tên lửa đã được triển khai, thêm vào đó, 3 tàu khu trục Aegis trang bị tên lửa đánh chặn SM - 3 được điều đến biển Hoa Đông để cùng triển khai bắn hạ tên lửa của CHDCND Triều Tiên nếu nó đi chệnh hướng và rơi xuống lãnh thổ Nhật bản. Để hỗ trợ tìm kiếm, giám sát và đánh chặn vệ tinh của Bình Nhưỡng, Mỹ đã điều động hệ thống radar di động tiên tiến SBX-1 từ Hawai. Tàu Aegis của hải quân Mỹ cũng đã rời căn cứ.
Đáp trả sức ép ngày một gia tăng của Nhật bản, Hàn Quốc và Mỹ, Bình Nhưỡng cứng rắn cảnh báo việc đánh chặn vụ phóng vệ tinh của nước này sẽ là một hành động chiến tranh. CHDCND Triều Tiên sẽ lập tức trừng phạt nghiêm khắc bằng một cuộc tấn công mang tính hủy diệt.
Thời điểm CHDCND Triều Tiên phóng vệ tinh Kwangmyongsong 3 đang đến rất gần (dự kiến từ ngày 12 - 16 /4), cùng với đó là sự gia tăng căng thẳng giữa các bên. Tuy nhiều nhà quan sát cho rằng khó có khả năng xung đột lớn xảy ra nhưng với chiều hướng hiện tại cũng đủ làm ảnh hưởng xấu đến những nỗ lực tìm kiếm giải pháp hoà bình trên bán đảo Triều tiên mà các bên cố công xây dựng trong thời gian gần đây./.