(VOV5) - Mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế đều không mang lại kết quả nào, dù là nhỏ nhất, khi cả hai bên vẫn kiên quyết giữ lập trường của mình.
Sau khi các cuộc đàm phán tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc nội chiến tại Syria diễn ra mới đây tại Geneva, Thụy Sỹ, thất bại, giới phân tích nhận định bế tắc này chẳng những làm phai nhạt dần hy vọng cho một bước đột phá chính trị thông qua đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 3 năm qua ở Syria, mà còn khiến cuộc chiến ở quốc gia này leo thang nghiêm trọng hơn, bởi sau diễn biến này chắc chắn cả chính quyền Syria và phe nổi dậy sẽ tăng cường sức ép quân sự trên chiến trường.
Việc đại diện chính quyền Damascus và lực lượng chống đối tại Syria chấp nhận gặp nhau tại bàn đàm phán, từng mở ra hy vọng về một giải pháp hòa bình chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài và đẫm máu này. Thế nhưng, mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế đều không mang lại kết quả nào, dù là nhỏ nhất, khi cả hai bên vẫn kiên quyết giữ lập trường của mình. Trong khi chính quyền Damascus xem việc chống chủ nghĩa khủng bố là ưu tiên hàng đầu trong đàm phán, thì phe đối lập lại cho rằng giải pháp mấu chốt chấm dứt xung đột là thành lập Chính phủ chuyển tiếp mà không có Tổng thống Bashar al-Assad.
Thất bại được dự báo trước
Ngay từ khi đàm phán chưa diễn ra, nhiều chuyên gia đã dự báo, đàm phán hòa bình là một cuộc đấu tranh khó khăn và đầy thách thức. Bởi nó diễn ra trong bối cảnh có sự chênh lệch tương quan lực lượng giữa quân Chính phủ Syria và phe đối lập. Trong khi quân của Tổng thống Bashar Al-Assad đang chiếm ưu thế trên chiến trường thì lực lượng đối lập ở Syria ngày càng chia rẽ và bộc lộ nhiều vấn đề mâu thuẫn nội bộ. Đáng chú ý là hai đồng minh lớn của chính quyền Damascus là Iran và Nga cũng bắt đầu vận chuyển vũ khí cho Syria, thậm chí Tehran còn gửi nhân viên quân sự để giúp Chính phủ Assad, trong khi các chương trình của Mỹ và phương Tây nhằm hỗ trợ huấn luyện và trang bị cho quân nổi dậy Syria diễn ra một cách hạn chế.
|
Hội nghị Hòa bình Syria hay còn gọi là Geneva 2 trong phiên họp đầu tiên với sự chủ trì của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon |
Một chuyên gia của Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế và an ninh Đức nhận định thất bại của các cuộc đàm phán ở Geneva sẽ dẫn đến tình trạng leo thang quân sự, bởi không bên nào muốn mình bị lép vế trên chiến trường. Trong khi chính quyền của Tổng thống Al-Assad cho rằng họ đã thoát khỏi sức ép lớn từ phía các đồng minh trong việc thảo luận để thành lập một chính phủ chuyển tiếp thì phe đối lập hy vọng thất bại của đàm phán sẽ kéo thêm sự ủng hộ và hậu thuẫn từ Mỹ và các nước phương Tây.
Can thiệp quân sự sẽ thay thế giải pháp ngoại giao?
Sau đàm phán thất bại, Mỹ lên tiếng chỉ trích Chính phủ của Tổng thống Assad cố tình cản trở tiến bộ trong đàm phán tại Geneva, đồng thời cáo buộc chính quyền Damascus tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào dân thường. Mỹ cũng đang lên kế hoạch đẩy mạnh sự can thiệp vào Syria.
Trong chuyến thăm Trung Quốc tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thừa nhận Washington đang thảo luận nghiêm túc về việc thay đổi chính sách đối với Syria và một giải pháp quân sự với Syria hiện nay là phù hợp. Bộ quốc phòng Mỹ mới đây cũng úp mở về một phương án quân sự cho cuộc khủng hoảng Syria. Lý do mà Lầu Năm Góc đưa ra là việc can thiệp quân sự sẽ giải quyết được vấn đề khủng hoảng nhân đạo tại Syria, đồng thời chống lại các phần tử khủng bố. Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Barack Obama cho rằng việc tăng cường chuẩn bị tấn công quân sự sẽ là sức ép buộc chính quyền của Tổng thống Al-Assad phải tiến đến chấp nhận một giải pháp ngoại giao. Một chi tiết hết sức đáng lưu ý là hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc họp kín với Quốc vương Jordan Abdullah II tại Mỹ để bàn về các vấn đề của khu vực Trung Đông, trong đó có Syria. Theo đó, để đổi lấy khoản vay và viện trợ lên tới 1,6 tỷ USD, Jordan sẽ phải cho phép Washington sử dụng lãnh thổ của mình trong trường hợp Mỹ triển khai tấn công quân sự Syria. Để thực hiện kế hoạch can thiệp vào Syria, Mỹ sẽ trang bị vũ khí cho phe nổi dậy, giúp họ đủ sức kiểm soát khu vực phía Nam của thủ đô Damacus, làm bàn đạp phát động các cuộc tấn công quân sự tiêu diệt quân đội chính phủ.
|
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp gỡ các quan chức UAE ở Abu Dhabi hôm 17/2 (Ảnh: AP) |
Saudi Arabia, quốc gia luôn hậu thuẫn phe đối lập ở Syria mới đây cũng tăng cường viện trợ các vũ khí tối tân cho lực lượng nổi dậy, kể cả hệ thống tên lửa phòng không vác vai, điều mà trước đây Nhà Trắng luôn phản đối do quan ngại các vũ khí này có thể rơi vào tay mạng lưới khủng bố al-Qaeda. Cùng với chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Mỹ B.Obama tới Saudi Arabia, dư luận có thể ngầm đoán được một kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria rất có thể xảy đến trong tương lai gần.
Trong khi đó, Anh cũng hối thúc Hội đồng bảo anh Liên hợp quốc cần hành động ngay nhằm nhanh chóng chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria và thất bại của các vòng đàm phán vừa qua càng khiến cộng đồng quốc tế phải có những động thái can thiệp mạnh mẽ hơn nữa. Từ những diễn biến hiện tại, dư luận cho rằng cuộc nội chiến ở Syria chắc chắn sẽ có thêm diễn biến căng thẳng mới./.