(VOV5) -Vụ việc lực lượng phòng không Syria bắn rơi máy bay trinh sát F4 của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 22/6 chưa lắng xuống thì Thổ Nhĩ Kỳ lại cáo buộc Syria bắn máy bay thứ 2 của nước này trong khi đang thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm chiếc F 4. Diễn biến trên đã đẩy quan hệ Syria - Thổ Nhĩ Kỳ lên cung bậc căng thẳng mới, nguy hiểm và làm gia tăng nguy cơ xảy ra bạo lực trên bình diện quốc tế trong bối cảnh chính phủ Syria vẫn đang phải đối phó với làn sóng bất ổn trong nước.
Theo Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bulent Arinc, việc Syria bắn rơi máy bay F - 4 là hành động thù địch ở cấp độ cao nhất và Ankara sẽ tự vệ trong khuôn khổ luật pháp quốc tế. Không dừng lại ở những cáo buộc, Phó thủ tướng Bulent Arinc cho biết trong vài ngày tới, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ quyết định có nên ngừng xuất khẩu điện cho Syria hay không. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu thì cho rằng đây là chiếc máy bay đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, tiến hành một cuộc kiểm tra hệ thống radar chứ không phải thực hiện nhiệm vụ do thám. Theo Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara sẽ hành động kiềm chế nhưng quyết tâm và sẽ đưa vụ việc ra công luận cũng như luật pháp quốc tế.
Vụ việc không chỉ ảnh hưởng tới nghiêm trọng tới quan hệ giữa 2 quốc gia láng giềng mà đã trở thành cái cớ để phương Tây gia tăng sức ép quốc tế đối với chính quyền của Tổng thống Bashar al - Assad, can thiệp sâu hơn nữa vào tình hình Syria, đúng như dự đoán của giới phân tích. Bất chấp việc Syria một lần nữa khẳng định việc Damascus bắn rơi máy bay trinh sát F - 4 của Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn không phải là hành động gây hấn mà chỉ là phòng vệ khi chiếc máy bay đang ở trên không phận Syria nhưng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nơi mà Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên, vẫn quyết định họp khẩn cấp vào ngày hôm nay (26/6) để xem xét vụ việc. Mỹ cũng không đứng ngoài cuộc khi Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney sốt sắng khẳng định nước này sẽ phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ để bắt Damascus phải chịu trách nhiệm về vụ bắn rơi máy bay nói trên. Trong khi đó, nhằm làm cô lập hơn nữa chính phủ Syria, buộc Tổng thống Bashar al - Assad phải lùi bước trước sức ép từ bên ngoài, Ngoại trưởng 27 nước Liên minh châu Âu (EU) ngày hôm qua đã thông qua lệnh trừng phạt mới với chính quyền Syria mà mục tiêu là các bộ và công ty Nhà nước. Đây là vòng chế tài thứ 16 của EU nhằm vào Syria kể từ tháng 3/2011, với tổng cộng 129 người và 49 thể chế trong chế độ của Tổng thống Bashar al - Assad bị liệt vào danh sách đen của EU. Australia cũng thông báo áp dụng các biện pháp mới trừng phạt Syria, trong đó có hạn chế hoặc cấm các trao đổi thương mại trong lĩnh vực dầu mỏ, dịch vụ tài chính, viễn thông…Trước tình hình phức tạp và nhạy cảm trên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Alexander Glushko đã hối thúc NATO không lợi dụng yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ về việc triệu tập một cuộc họp của liên minh quân sự này để làm leo thang tình hình căng thẳng tại Syria. Đồng minh của Syria là Iran thì hy vọng vụ việc sẽ được đánh giá chính xác và thông qua một giải pháp hòa bình, trật tự cũng như yên ổn trong khu vực sẽ được bảo toàn. Trung Quốc cũng kêu gọi tất cả các bên bình tĩnh và kiềm chế.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad và các cường quốc phương Tây chưa tìm được giải pháp hữu hiệu thì cuộc giao tranh trong nước giữa lực lượng an ninh Syria và phe đối lập vẫn chưa lắng dịu. Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR, trụ sở tại Anh), tuần qua là một trong những tuần đẫm máu nhất của cuộc khủng hoảng kéo dài 15 tháng qua ở Syria, riêng ngày 24/6, bạo lực đã làm ít nhất 34 người thiệt mạng. Nếu tính từ tháng 3/2011 đến nay, bạo lực ở Syria đã cướp đi sinh mạng của khoảng 15.000 người. Với đà này, xem ra tình hình nội bộ Syria không mấy sáng sủa.
Việc Syria vừa phải đối phó với sức ép của phương Tây sau vụ việc bắn rơi máy bay trinh sát F-4 của Thổ Nhĩ Kỳ, vừa phải giải quyết giao tranh trong nước, cho thấy tình thế tại Syria đang hết sức căng thẳng. Cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria bị đẩy đến một giới hạn nguy hiểm mới, có thể sẽ châm ngòi xung đột bao trùm khắp Trung Đông./.