(VOV5) - Cho đến lúc này, Anh đã có sự chuẩn bị và đặt ra nhiều mục tiêu cho 2 hội nghị quan trọng này, nhằm khẳng định vai trò và củng cố vị thế nước Anh.
Năm 2021, Anh là chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Trong bối cảnh Anh vừa chính thức rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), việc tổ chức hai sự kiện chính trị quốc tế quan trọng này được cho là sẽ giúp Anh thúc đẩy hợp tác toàn cầu, củng cố vị thế đất nước.
Thủ tướng Anh Boris Johnson mới đây khẳng định năm 2021 là “năm cực kỳ quan trọng đối với nước Anh toàn cầu”, khi ông cố gắng chuyển hướng tập trung từ vấn đề Brexit sang một chương trình nghị sự mới với tư cách là chủ nhà của cả hai hội nghị quan trọng - Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Thủ tướng Anh Boris Johnson tại thủ đô London ngày 15/12/2020. Ảnh: THX/ TTXVN |
Củng cố vị thế nước Anh sau Brexit
Hội nghị thượng đỉnh G7, và Hội nghị COP26 dự kiến được tổ chức lần lượt vào tháng 6 và tháng 11/2021. Cho đến lúc này, Anh đã có sự chuẩn bị và đặt ra nhiều mục tiêu cho 2 hội nghị quan trọng này, nhằm khẳng định vai trò và củng cố vị thế nước Anh.
Đối với Hội nghị thượng đỉnh G7, Thủ tướng Boris Johnson mong muốn đưa ra giải pháp mang tính toàn cầu nhằm đối phó với dịch bệnh COVID-19, vạch ra chiến lược “xây dựng trở lại tốt hơn” cho thế giới và thể hiện sức mạnh của hệ thống quốc tế. Cùng với đó, thúc đẩy một liên minh mới được thành lập dựa trên nhóm các nền kinh tế lớn, tạo ra diễn đàn để lãnh đạo của các nền kinh tế lớn nhất thế giới gặp mặt trực tiếp sau hơn một năm gián đoạn vì đại dịch. Thủ tướng Xứ sở sương mù có kế hoạch gặp các nhà lãnh đạo G7 trước hội nghị thượng đỉnh để thảo luận về các vấn đề bao gồm giải pháp đẩy lùi đại dịch COVID-19, như tập trung vào vấn đề sản xuất, phân phối vaccine và rút ra các bài học trước những trường hợp khẩn cấp về y tế có thể xảy ra trong tương lai.
Thủ tướng Anh cũng coi Hội nghị thượng đỉnh G7 là “bước đệm” cho Hội nghị thượng đỉnh COP26 vào tháng 11, cố gắng tạo động lực để cắt giảm lượng khí thải từ các nước công nghiệp phát triển. Phần quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại Glasgow sẽ là thảo luận về tiềm năng kinh tế và khả năng tạo việc làm của việc phát triển công nghệ để giải quyết biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu gây ra.
Một nước Anh toàn cầu có thành hiện thực?
Từ 1/1/2021, Anh đã chính thức chia tay Liên minh châu Âu (EU) sau cuộc “hôn nhân” 48 năm, đổi lấy một tương lai tự quyết. Sau Brexit, nước Anh đặt lộ trình hướng ra bên ngoài, thậm chí hướng tới một hiệp định thương mại tự do với các nước thuộc Vành đai Thái Bình Dương. Cho đến nay, London đã ký một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Nhật Bản, Canada, Singapore, Thụy Sỹ, Việt Nam, cùng một số nước khác. Các thỏa thuận tiếp theo trong lộ trình sẽ bảo đảm được 80% thương mại nước ngoài của nước này vào năm 2022. Điều này đã khiến Bộ Ngoại giao Anh phải nhanh chóng đưa các nội dung về viện trợ và phát triển vào chương trình ngoại giao của mình.
Tuy nhiên, bất chấp tham vọng của nước Anh, đã có những áp lực buộc quốc gia này phải thu hẹp các hoạt động trên trường quốc tế, đặc biệt khi tình hình tài chính của họ gặp nhiều khó khăn. Đại dịch Covid-19 đang gây ra những thách thức lớn khi nước Anh buộc phải phong tỏa toàn quốc. Một trong các dấu hiệu ban đầu là việc Chính phủ Anh hồi tháng 11/2020 đã giảm cam kết viện trợ quốc tế từ mức tương đương 0,7% GDP xuống 0,5% GDP. Một diễn biến khác cũng sẽ ảnh hưởng đến tham vọng toàn cầu của Vương quốc Anh là những mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này. Bắc Ireland đang có sự phản đối đáng kể đối với lập trường của chính phủ Vương quốc Anh, khi 56% người dân vùng này đã bỏ phiếu muốn ở lại EU trong cuộc trung cầu dân ý năm 2016. Nhưng đáng chú ý nhất chính là tại Scotland, nơi các cuộc thăm dò gần đây cho thấy mức độ ủng hộ xứ này tách khỏi Vương quốc Anh đang gia tăng. Nếu Scotland trở thành một quốc gia độc lập, nguồn thu thuế của Anh sẽ giảm mạnh, buộc chính phủ cắt giảm hơn nữa khoản ngân sách cho các hoạt động quốc tế cũng như quốc phòng.
Mạng lưới cơ quan đại diện ngoại giao và thương mại rộng khắp của Anh chắc chắn cũng bị ảnh hưởng. Cùng với việc cắt giảm chi tiêu cho quân sự, cả quyền lực cứng và mềm của nước Anh trên toàn cầu sẽ suy yếu. Tham vọng “Nước Anh toàn cầu” khi đó khó có thể đạt được những mục tiêu đã đề ra.