(VOV5) - Bộ Công Thương cam kết tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, với khoảng 205 điều kiện đầu tư kinh doanh trong năm 2020.
Việt Nam đang triển khai thực hiện mục tiêu kép là phòng chống dịch Covid- 19 hiệu quả và đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng kinh tế xã hội. Thực hiện nhiệm vụ này ngành Công Thương và các doanh nghiệp đang nỗ lực phát triển thị trường xuất khẩu đồng thời ổn định thị trường nội địa để đảm bảo thương mại sẽ đóng góp quan trọng vào tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội ( GDP) trong năm 2020.
Ảnh minh họa: VOV.VN |
Theo Bộ Công Thương, mặc dù diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp, dẫn đến sản xuất, lưu thông hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng xuất nhập khẩu hai tháng đầu năm của Việt Nam vẫn đạt 8,4 %, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trước những diễn biến mới của tình hình dịch bệnh, Bộ Công Thương nhận định thương mại quốc tế sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Dành ưu tiên cao cho phát triển thị trường ngoài nước
Trên thực tế, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam trong hai tháng đầu năm cũng đã có những thay đổi, trong đó kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản, vốn là lợi thế của Việt Nam, đều sụt giảm. Người đứng đầu ngành Công Thương đã yêu cầu các đơn vị khẩn trương đánh giá và xây dựng kế hoạch ứng phó với các diễn biến mới của thị trường đang và sẽ có khả năng diễn biến phức tạp về dịch bệnh, đặc biệt là các thị trường là bạn hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam như châu Âu, Mỹ và một số thị trường khu vực châu Á. Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Cục Công nghiệp phối hợp cùng với Cục Xuất nhập khẩu và các Vụ thị trường ngoài nước đánh giá các tác động đến chuỗi ngành hàng của mình và các cơ hội đối với những thị trường thay thế, các thị trường bổ sung cũng như các biện pháp khắc phục tại chính các thị trường đang còn khó khăn để có các kế hoạch giải pháp cho từ nay đến cuối năm để đảm bảo mục tiêu chung trong sản xuất và phát triển thị trường cũng như trong sự phát triển của các chuỗi cung ứng, đặc biệt là những thị trường như Hàn Quốc, Trung Quốc… cho những sản phẩm của các lĩnh vực như điện tử, đồ gỗ, chế biến nông sản, thủy sản, các thị trường của châu Âu, châu Mỹ cho các sản phẩm công nghiệp chế biến, nông sản, thủy sản và chế biến chế tạo của một số ngành hàng”.
Triển khai thực hiện nhiệm vụ này, đại diện Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương, đã tiến hành rà soát các thị trường trọng điểm, nhất là các thị trường chưa chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, để mở rộng thị trường mới cho doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai xuất khẩu trở lại sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản khi việc kiểm soát dịch bệnh ở các quốc gia này đang dần khả quan hơn. Đối với các thị trường quan trọng của Việt Nam là EU, Mỹ và ASEAN, các Vụ, Cục của Bộ Công Thương cũng sớm triển khai các giải pháp cụ thể để giữ vững mục tiêu xuất khẩu trong tình hình dịch bệnh.
Đặc biệt, Bộ đặt mục tiêu hoàn thiện sớm bộ hồ sơ để Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Liên minh châu Âu (EVFTA) nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu bứt phá trong những tháng cuối năm 2020.
Quan tâm ổn định thị trường trong nước
Cùng với việc quan tâm, ưu tiên phát triển thị trường ngoài nước, Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp triển khai các biện pháp ổn định thị trường trong nước, trong đó đặc biệt chú ý đến những lợi thế khi thực hiện Hiệp định EVFTA, để vừa tận dụng tối đa các cơ hội, liên kết hợp tác, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU, vừa đảm bảo sức cạnh tranh tại thị trường nội địa. Người đứng đầu Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị cục, vụ chức năng quản lý từng lĩnh vực ngành hàng phải rà soát lại, trên cơ sở các cam kết của Hiệp định, để xây dựng Chương trình hành động cụ thể phát triển thị trường trong nước.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng: “Cơ cấu của thị trường nội địa, hệ thống phân phối bán lẻ, hạ tầng thương mại… hàng loạt các vấn đề lớn sẽ phải chịu sự cạnh tranh từ sản phẩm ngoại nhập từ EU và từ các đối tác. Cho nên, chúng ta không chỉ tái cơ cấu công nghiệp, nông nghiệp mà tái cơ cấu cả thương mại, dịch vụ.. tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Tôi cho rằng Chương trình hành động của Chính phủ đã thể hiện được song kế hoạch và cách thức tổ chức thực hiện trong Bộ Công Thương phải toàn diện hơn nữa”.
Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài và ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, Bộ Công Thương cam kết tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, với khoảng 205 điều kiện đầu tư kinh doanh trong năm 2020. Lãnh đạo Bộ cũng yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại điện tử để phát triển chuỗi cung ứng hàng hóa trong thị trường nội địa
Dịch bệnh Covid -19 là thách thức lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam nói riêng và thương mại Việt Nam nói chung. Yêu cầu đặt ra là bất luận trong trường hợp nào cũng phải ưu tiên phát triển thị trường, để thương mại đóng góp cho sự tăng trưởng GDP. Có giải pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, ưu tiên phát triển thị trường ngoài nước, ổn định thị trường trong nước, là cách Việt Nam triển khai thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định vĩ mô trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường.