Tăng cường quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Chilê

Tăng cường quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Chilê - ảnh 1
Tổng thống Cộng hòa Chilê
Sebastian Pinera Echenique


(VOV5) - Ngày 21/3, Tổng thống Cộng hòa Chilê Sebastian Pinera Echenique bắt đầu tiến hành chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Chuyến thăm là dịp để lãnh đạo hai nước trao đổi phương hướng và các biện pháp tăng cường quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Chilê trên tất cả mọi lĩnh vực và trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.


Tuy nằm cách xa nhau về địa lý nhưng Việt Nam và Chi lê có quan hệ tốt đẹp, dựa trên nền tảng lịch sử đặc biệt. Trong thời kỳ Việt Nam đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, phong trào đoàn kết và ủng hộ Việt Nam phát triển mạnh ở Chilê. Khi cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam đang ở giai đoạn vô cùng quyết liệt, Chilê đã trở thành quốc gia thứ hai ở Nam Mỹ, sau Cu-ba, chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Sự kiện đó đã mở ra một trang mới cho lịch sử quan hệ Việt Nam - Chilê. Năm 1990, Việt Nam và Chilê chính thức thiếp lập quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ. Và, từ đó, quan hệ giữa hai nước phát triển sâu rộng và hiệu quả. Đại sứ Chilê tại VN Fernando Urrutina cho rằng: “Chilê không chỉ là một trong những nước đầu tiên ở Châu Mỹ la tinh thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, ngày 25/3/1971 mà trong suốt hơn 40 năm qua, quan hệ giữa hai nước chúng ta đã phát triển rất mạnh mẽ. Quan hệ tốt đẹp trong quá khứ chính là nền tảng tốt đẹp để Việt Nam và Chilê tiếp tục thúc đẩy hợp tác, vì sự phồn vinh ở mỗi nước”.



Tăng cường quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Chilê - ảnh 2
Chế biến nông sản - một trong những lĩnh vực đẩy mạnh hợp tác VN - Chi lê (Ảnh: Internet)


Những năm gần đây, lãnh đạo cấp cao của hai bên thường xuyên gặp nhau nhằm th
ảo luận và hoạch định phương hướng hợp tác. Hai nước có nhiều điểm tương đồng, có thể hợp tác cùng có lợi, nhất là trong các lĩnh vực phát triển khai khoáng, khoa học-kỹ thuật, nông nghiệp, giáo dục… Chilê coi trọng và ưu tiên quan hệ với Việt Nam. Chilê mong muốn hợp tác với Việt Nam trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào lĩnh vực khai khoáng, bảo vệ môi trường sinh thái. Với nhiều kinh nghiệm và thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp, Chilê cũng có thể hợp tác với Việt Nam phát triển công nghệ chế biến nông sản, xuất khẩu hoa quả và công nghệ thực phẩm… Việt Nam coi trọng quan hệ hợp tác với Chilê và sẵn sàng hợp tác với Chilê trong các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh. Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng làm cầu nối để Chilê phát triển hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á. Ngược lại, Chilê cũng trông đợi Việt Nam là một đầu cầu để sản phẩm của Chile tới được các thị trường khác ở Đông Nam Á. Theo Đại sứ Fernando Urrutina, là một thị trường với 17 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người 14.000 đô la Mỹ/năm, Chilê không chỉ là một thị trường nhập khẩu lớn các sản phẩm hàng hóa của VN mà còn là cầu nối để hàng hóa VN đến với cả khu vực Mỹ La tinh rộng lớn. Ngoài ra, hai nước cũng đang hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bên cạnh quan hệ kinh tế-thương mại, hai nước có thể và nên thúc đẩy những quan hệ khác, như hợp tác văn hóa và hữu nghị, vì điều đó không những tác động đến hợp tác kinh tế và thương mại mà còn tăng cường sự hiểu biết giữa hai nước mặc dù xa cách về địa lý nhưng lại gần gũi trong tình cảm”.


Đến nay, Việt Nam và Chilê đã ký kết gần 20 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại, khoa học-công nghệ, văn hóa, du lịch... làm cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác. Trao đổi thương mại giữa hai nước tăng nhanh, từ hơn 18 triệu USD năm 2000 lên gần 500 triệu USD năm 2011. Năm 2007, Chilê đã chính thức công nhận quy chế kinh tế thị trường ở Việt Nam. Đặc biệt, ngày 11/11/2011, Việt Nam và Chilê đã chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) sau 8 vòng đàm phán trong vòng 3 năm. Khi FTA có hiệu lực, Chile có thể xuất sang Việt Nam thịt lợn, trái cây và nước trái cây với thuế suất ưu đãi. Việt Nam có thể xuất sang Chile giày dép, gạo, dệt may, cà phê… với thuế suất thấp.


Việt Nam và Chilê có quan hệ hữu nghị truyền thống, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau, đều yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do. Từng cổ vũ cuộc đấu tranh chính nghĩa giành độc lập của nhân dân Việt Nam, ngày nay, nhân dân Chilê tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Về phần mình, Việt Nam luôn mong muốn Chilê ngày càng phát triển. Đây chính là cơ sở để chuyến thăm chính thức của Tổng thống Sebastian Pinera Echenique thành công tốt đẹp, đưa quan hệ “Đối tác toàn diện” Việt Nam – Chi-lê phát triển hơn nữa theo hướng thực chất và hiệu quả./.


Phản hồi

Các tin/bài khác