(VOV5) - Trong các chỉ tiêu kinh tế mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cộng sản Việt Nam đề ra, chỉ tiêu tăng trưởng về năng suất các nhân tố tổng hợp được xác định ở mức từ 30% - 35% vào năm 2020. Đây là mục tiêu khó nhưng có thể đạt được, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực chuẩn bị hòa vào sân chơi chung khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực.
Không giống như năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (gọi tắt là TFP) là sự đóng góp của các yếu tố như kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng lao động, hàng hoá dịch vụ, chất lượng vốn đầu tư, chất lượng thiết bị công nghệ, kỹ năng quản lý... Đây vốn là một lĩnh vực không có thế mạnh của Việt Nam. Vào năm 2010, TFP của Việt Nam bị âm, xuống 0.27%.
Mục tiêu có thể đạt được
Theo ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đến năm 2011, TFP bắt đầu có sự tăng trưởng và ổn định. Bình quân giai đoạn 2011– 2014, tốc độ tăng của TFP đóng góp vào tăng trưởng kinh tế khoảng 26%. Khi tăng trưởng TFP, sẽ thúc đẩy tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội GDP mà không phụ thuộc nhiều vào việc gia tăng vốn đầu tư, số lượng lao động, cũng như là khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên.
|
So sánh đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP của Việt Nam với một số nước Châu Á giai đoạn 2001-2010 (Nguồn: Báo cáo Năng suất của Tổ chức Năng suất Châu Á - APO) |
Với ưu thế này, việc kích thích tăng trưởng TFP đang được nhiều quốc gia quan tâm khi hướng tới chiến lược phát triển kinh tế một cách bền vững, trong đó có Việt Nam. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cộng sản Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020, thông qua yếu tố năng suất tổng hợp (TFP), hoạt động khoa học và công nghệ sẽ đóng góp khoảng 35% tăng trưởng kinh tế. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết: “Chúng tôi thấy mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được. Bởi vì năm ngoái, theo tính toán sơ bộ, TFP đã đạt trên 34%. Năm nay, dự kiến có thể đạt gần 39%. Tất nhiên trong cả giai đoạn 2011-2020, chúng ta tính trung bình TFP sẽ nằm trong khoảng 30-35% là được, vì mấy năm đầu tiên TFP còn dưới 20%. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay, tôi hy vọng TFP sẽ tăng nữa trong những năm tiếp theo, để có thể đạt mức trung bình 10 năm trên cả 35%”.
Cơ hội đến cùng thách thức
Năng suất lao động cao đồng nghĩa thu nhập của người lao động tăng. Trong xu thế hội nhập và chiều hướng phát triển hiện nay, khi Việt Nam gia nhập TPP và cộng đồng kinh tế chung ASEAN, với tầm nhìn lâu dài và tổng thể, tiền lương và thu nhập của người lao động có xu hướng được cải thiện tốt hơn. Tuy nhiên bên cạnh những tác động tích cực thì người lao động, nhất là lao động trẻ sẽ cạnh tranh với đội ngũ chất lượng cao từ các nước.
|
Việc hội nhập quốc tế đòi hỏi nhân lực phải có những năng lực đạt chuẩn như khả năng lãnh đạo, thích nghi môi trường, khả năng quản lý thay đổi, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, trình độ ngoại ngữ. Để có chỗ đứng trong thị trường lao động toàn cầu, thế hệ trẻ phải rèn luyện nhiều kỹ năng, tự học hỏi trau dồi kiến thức để có thể tự tin làm việc được trong môi trường hội nhập rộng lớn. Vũ Thị Thảo Vy, Phó Chủ tịch Hội sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, cho biết: “Em thấy đây là một cơ hội lớn của Việt Nam cũng như là thách thức. Nếu quyết tâm, đất nước mình chắc chắn sẽ làm được. Em nghĩ việc cạnh tranh việc làm và tiếng Anh thì xuất phát từ bản thân mỗi người nhận thức được rõ ràng những khó khăn. Như vậy thế hệ trẻ phải có sự trau dồi để bản thân mình khá lên, là những người có thể đóng góp cho đất nước”.
Để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng TFP, Việt Nam còn đưa ra nhiều giải pháp như: hỗ trợ tiếp nhận công nghệ, thuê chuyên gia, huy động các nhà khoa học, viện, trường đồng hành cùng doanh nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đang cùng phối hợp triển khai tích cực Chương trình nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2 (2016-2020), nhằm xây dựng mới 2.000 tiêu chuẩn của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và hỗ trợ 60 nghìn doanh nghiệp đổi mới công nghệ.