(VOV5) - Hiện nay, cả nước có 97 cơ sở cai nghiện ma túy công lập thuộc sự quản lý của các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố.
Hôm nay (26/06), là Ngày Quốc tế phòng chống ma túy và cũng là Ngày toàn dân phòng, chống ma túy tại Việt Nam. Cùng với công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm về ma túy, Việt Nam luôn chú trọng các hoạt động hỗ trợ người nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng. Trong đó, đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế là tiền đề quan trọng để giúp người nghiện sau cai có việc làm, ổn định cuộc sống.
Sau 2 năm thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, các địa phương đã tổ chức dạy nghề ngắn hạn cho hơn 15 nghìn người, dạy văn hóa (xóa mù chữ) cho gần 2600 người. Quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú hơn 38.000 người. Hiện nay, cả nước có hơn 10.000 người ở cấp xã được phân công thực hiện nhiệm vụ tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý hỗ trợ người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai nghiện ma túy.
Học viên học nghề khâu bóng da tại Cơ sở điều trị nghiện ma tuý tỉnh Sơn La.
Ảnh minh họa: VOV |
Chính sách hỗ trợ người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng
Nhà nước luôn tạo điều kiện, hỗ trợ cho người sau cai nghiện. Điều này thể hiện trong các văn bản Luật cũng như thông qua các chính sách đã được ban hành trong những năm qua. Trong đó, đáng chú ý, Nghị định số 116 năm 2012 của Chính phủ đã quy định rất rõ ràng về chế độ hỗ trợ đối với người sau cai nghiện ma tuý áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú. Theo đó, người sau cai nghiện sẽ được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn; hỗ trợ vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và được ưu tiên đăng ký tham gia chính sách việc làm công theo quy định của pháp luật về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Căn cứ tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét vè sử dụng các nguồn khác nhau để hỗ trợ cho vay ưu đãi đối với người sau cai nghiện để phát triển sản xuất, tạo việc làm.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Hà Nội. Ảnh: VOV |
Ông Vũ Văn Úy, Phó trưởng phòng Chính sách cai nghiện ma túy, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, cho biết: "Về mặt chính sách Nhà nước, hiện nay, theo quy định, các doanh nghiệp tiếp nhận những người sau cai nghiện được miễn thuế thu nhập, miễn tiền sử dụng đất. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng có Quyết định về việc hỗ trợ tín dụng cho những người nghiện ma túy, khi trở về địa phương được hỗ trợ vay vốn, tạo việc, làm tạo sinh kế.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đang chỉ đạo quyết liệt để triển khai những mô hình hỗ trợ sinh kế, ví dụ như thông qua các chương trình giảm nghèo, hỗ trợ cho người nghiện ma túy được mua những trang thiết bị để họ làm ăn, tạo ra sinh kế. Vấn đề tái hòa nhập cộng đồng cũng rất cần sự chung tay của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở để cùng nhau giúp đỡ người nghiện ma túy có được công ăn, việc làm ổn định, góp phần có ích cho xã hội."
Cùng với việc thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, hiện nay, các Bộ, ngành chức năng của Việt Nam đang phối hợp xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống, nâng cao hiệu quả cai nghiện ma tuý để tập trung đầu tư giải quyết những vấn đề cấp bách liên quan đến ma tuý.
Sự vào cuộc đồng bộ từ TW đến địa phương
Hiện nay, cả nước có 97 cơ sở cai nghiện ma túy công lập thuộc sự quản lý của các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố. Ngoài công tác cai nghiện, chăm sóc, điều trị, phục hồi sức khỏe, các cơ sở này đặc biệt chú trọng tới việc giáo dục, đào tạo nghề và định hướng việc làm cho học viên. Tại đây, các học viên cai nghiện được tham gia các lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp, với đa dạng ngành nghề, phù hợp với thể trạng sức khỏe và năng lực cũng như nhu cầu của học viên, như: điện dân dụng, hàn, hàn điện, may công nghiệp…
Hoạt động này vừa giúp học viên tham gia lao động trị liệu, dần hình thành những suy nghĩ tích cực, đồng thời, vừa có thu nhập, vừa có nghề để tăng cơ hội tái hòa nhập sau khi kết thúc thời gian điều trị cai nghiện, trở về gia đình, cộng đồng.
Tại Hà Nội, từ năm 2015 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với 7 cơ cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố tổ chức các chương trình tư vấn hướng nghiệp, học nghề, giới thiệu việc làm cho học viên trước khi hòa nhập cộng đồng. Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Hà Nội, cho biết: "Chúng tôi cũng trang bị thêm 1 số kỹ năng cho học viên, như: kỹ năng tham dự phỏng vấn, kỹ năng chuẩn bị hồ sơ hoặc những kỹ năng trong quá trình làm việc sau này… để các học viên sau thời gian tham gia tại các cơ sở cai nghiện, khi trở về cộng đồng có thể sẵn sàng để tham gia vào thị trường lao động".
Còn tại tỉnh Sơn La, mỗi năm, Cơ sở điều trị nghiện ma tuý tỉnh Sơn La phối hợp với các Trung tâm đào tạo tổ chức dạy nghề cho hơn 100 học viên trình độ sơ cấp. Sau các khóa học, học viên có thể áp dụng những kiến thức vào thực tế với các nghề, như: trồng trọt, chăn nuôi, phòng trị bệnh cho gia súc... Một học viên Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La cho biết: "Em được các thầy cô giới thiệu nghề lắp ráp linh kiện điện tử, may mặc, chế biến hoa quả. Sau khi được giới thiệu, em muốn được đi làm công ty lắp ráp linh kiện điện tử. Em mong sau khi cai nghiện trở về có thể đi làm để ổn định cuộc sống".
Việc giúp đỡ, tạo công ăn việc làm cho người nghiện ma túy sau khi họ kết thúc thời gian cai nghiện là chủ trương nhân văn của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Những nỗ lực này vừa giúp người sau cai nghiện ổn định cuộc sống, phòng chống tái nghiện đồng thời góp phần đảm bảo an sinh xã hội.