Thế giới và những thách thức về đa dạng sinh học

(VOV5) - Giới chuyên gia cho rằng hy vọng lớn nhất đối với nỗ lực bảo vệ đa dạng sinh học toàn cầu là Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal.

Đa dạng sinh học có ý nghĩa sống còn đối với các hệ sinh thái trên Trái đất, cũng như với đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia, cộng đồng. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo đa dạng sinh học trên thế giới đang ngày càng bị đe dọa nhiều hơn từ các hoạt động của con người và biến đổi khí hậu.

Trong thông điệp gửi đến cộng đồng quốc tế hôm 22/05, nhân Ngày Quốc tế về đa dạng sinh học, Tổng thư ký Liên hiệp quốc, Antonio Guterres cảnh báo những mạng lưới đa dạng sinh học phức tạp, vốn là thành tố thiết yếu duy trì các dạng sống trên Trái đất, đang sụp đổ với tốc độ đáng báo động, và con người là nguyên nhân chính.

Thế giới và những thách thức về đa dạng sinh học - ảnh 1Đa dạng sinh học là nền tảng của sự sống. Ảnh minh họa: commentfaireca.fr

Các số liệu của Liên hợp quốc hay các tổ chức bảo vệ thiên nhiên quốc tế chỉ rõ điều đó. “Báo cáo Tội phạm động vật hoang dã thế giới năm 2024”, do Văn phòng Liên hợp quốc về phòng chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) kết hợp với Hiệp hội quốc tế về chống tội phạm động vật hoang dã (ICCWC), Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hải quan thế giới công bố hôm 20/5, cho thấy buôn bán động vật hoang dã trái phép vẫn là vấn đề nhức nhối trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt tại các khu vực Nam Sahara và Nam Á. Đây là 2 khu vực chiếm phần lớn các luồng thương mại toàn cầu về buôn bán động vật hoang dã, chiếm 44% tổng số vụ bắt giữ được ghi nhận, trong đó hầu hết là các loài động vật nguy cấp cần được bảo vệ.

Thế giới và những thách thức về đa dạng sinh học - ảnh 2Tổng thư ký Liên hiệp quốc, Antonio Guterres. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Báo cáo của UNDOC cũng cho thấy trong giai đoạn 2015-2021, đã có 13 triệu hiện vật liên quan đến 4.000 loài động thực vật bị buôn bán trái phép tại 162 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó phổ biến nhất là san hô (chiếm 16%), các hiện vật liên quan đến cá sấu (chiếm 9%) và voi (6%). Tê tê, các loài thú ăn thịt trong nhóm nguy cấp (hổ, báo, gấu), gỗ trầm hương, gỗ tuyết tùng, cá chình… là những nạn nhân phổ biến tiếp theo của mạng lưới buôn bán trái phép. Liên hợp quốc đánh giá thực tế này đang tàn phá sự ổn định và khả năng phục hồi của đa dạng sinh học và hệ sinh thái toàn cầu, cũng như làm suy yếu các giá trị môi trường, xã hội và kinh tế.

Bà Inger Andersen, Giám đốc điều hành Cơ quan Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), cảnh báo:"Tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào thiên nhiên, nhưng chúng ta cũng cần biết rằng thiên nhiên đang gặp rắc rối. Khủng hoảng khí hậu, khủng hoảng mất mát đa dạng sinh học và thiên nhiên, khủng hoảng ô nhiễm rác thải, tức bộ ba khủng hoảng toàn cầu đang thực sự đẩy mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên đến điểm đổ vỡ."

Bên cạnh những hành động phá hoại trực tiếp, hoạt động kinh tế của các quốc gia cũng gián tiếp tác động đến đa dạng sinh học. Một ví dụ là nghiên cứu mới đây của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), theo đó, các quần thể cá nước ngọt di cư đã giảm hơn 80% kể từ năm 1970, mạnh nhất ở Nam Mỹ và Caribe, nơi ghi nhận mức giảm đến 91% trong 50 năm qua. Đây là khu vực có mật độ di cư cá nước ngọt lớn nhất thế giới, nhưng việc xây dựng các đập nước, khai thác mỏ và chuyển hướng dòng nước đang phá hủy hệ sinh thái các con sông.

Theo chuyên gia Herman Wanningen, người sáng lập Tổ chức Di cư Cá thế giới (WFMF), đây là lời cảnh tỉnh cho thế giới về sự sụp đổ của đa dạng sinh học.

Biến đổi khí hậu càng khiến sự suy giảm đa dạng sinh học trầm trọng hơn, đặc biệt với các hệ sinh thái san hô và các vùng đất ngập nước. Cụ thể, theo chuyên gia Marcos Valderrabano của IUCN, khoảng 50% rừng đước ở các vùng đất ngập nước trên thế giới đang có nguy cơ bị phá hủy do nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Sự sụp đổ này có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống kinh tế-xã hội nhiều quốc gia bởi các rừng đước bao phủ khoảng 15% bờ biển trên thế giới.

Đối với các rặng san hô, nghiên cứu của Cơ quan nghiên cứu đại dương và khí quyển Mỹ (NOAA), công bố hôm 16/05, cho thấy 60% các rặng san hô trên thế giới đang bị “tẩy trắng”, tức bị phá hủy hệ sinh thái bao quanh, với nguyên nhân là nhiệt độ nước biển tăng quá cao khi trái đất ấm lên.

Một vấn đề lớn khác đặt ra cho nỗ lực bảo vệ đa dạng sinh học là các quốc gia và cộng đồng chưa thực sự ý thức hết được các hậu quả nghiêm trọng của mất mát đa dạng sinh học. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), mất mát đa dạng sinh học có thể khiến thế giới thiệt hại 2,7 ngàn tỷ USD mỗi năm đến năm 2030. Vì thế, theo chuyên gia Eric Palkovacs, đến từ Trường Đại học California, Santa Cruz, cần phải thúc đẩy việc đưa các thảo luận về đa dạng sinh học vào các diễn đàn kinh tế lớn trên phạm vi toàn cầu: "Cần phải thu hút sự quan tâm đến vấn đề thiết yếu này bởi đây là chủ đề lớn nhưng đôi khi bị gạt sang bên lề bởi những lo ngại lớn hơn về kinh tế nhưng mất mát đa dạng sinh học cũng chính là một vấn đề kinh tế vô cùng đáng ngại."

Trước các thách thức lớn hiện nay, giới chuyên gia cho rằng hy vọng lớn nhất đối với nỗ lực bảo vệ đa dạng sinh học toàn cầu là Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal, hay còn gọi là Kế hoạch Đa dạng sinh học.

Theo David Cooper, Thư ký điều hành của Ban thư ký Công ước Đa dạng sinh học Liên hợp quốc, việc các quốc gia cam kết và thực thi đầy đủ các biện pháp đưa ra trong Kế hoạch Đa dạng sinh học toàn cầu sẽ giúp bảo vệ ít nhất 30% diện tích đất liền, khu vực bờ biển và các vùng nước trong lục địa trên thế giới vào năm 2030, qua đó tạo bước đệm tiến tới mục tiêu chiến lược lâu dài hơn là chung sống hòa hợp với thiên nhiên, như chủ đề của Hội nghị các bên tham gia Công ước đa dạng sinh học (COP16), diễn ra vào tháng 10 tới tại Cali, Colombia.        

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác