Tạo điều kiện pháp lý phát triển môi trường đầu tư, kinh doanh

(VOV5) - Luật doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật đầu tư (sửa đổi) vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua tại kỳ họp thứ 8 là 2 Luật căn bản, điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và doanh nghiệp của doanh nghiệp tại Việt Nam. Việc 2 Luật được thông qua nhận được những đánh giá tích cực từ phía nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp với kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cải thiện môi trường đầu tư của đất nước.

Tạo điều kiện pháp lý phát triển môi trường đầu tư, kinh doanh - ảnh 1
Ảnh: cokhivietnam.vn


Phần lớn các doanh nghiệp hoan nghênh Quốc hội khi thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) với rất nhiều quy định thông thoáng như không hạn chế số lượng ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp tự quyết định hình thức, nội dung và quản lý con dấu... sẽ tạo những cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp.  Cả 2 luật này quy định chung nhất cho lĩnh vực đầu tư, kinh doanh; quy định những nguyên tắc chung nhất cho thành lập và quản trị doanh nghiệp; áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp thành lập, trừ một vài doanh nghiệp trong những lĩnh vực đặc thù, như lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán...

 

Đảm bảo quyền tự do kinh doanh của công dân, doanh nghiệp

 

Việc Quốc hội thông qua hai Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) là một bước tiến lớn trong việc mở cửa cho doanh nghiệp tự do kinh doanh những điều pháp luật không cấm, tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, giảm thủ tục hành chính, cũng như giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp… Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế. Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: Lần sửa đổi này có thể nói là gần như đã lột xác, nhằm khắc phục những khiếm khuyết của hơn một chục năm qua chúng ta triển khai thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Nội dung cơ bản nhất được thay đổi trong Luật Đầu tư phương pháp tiếp cận. Phương pháp tiếp cận trước đây là “chọn- cho”, có nghĩa là luật quy định những lĩnh vực được phép đầu tư kinh doanh. Lần này, chúng ta thay bằng phương pháp minh bạch hơn và rõ ràng hơn là “chọn - bỏ”. Đó là cái gì cấm, cái gì hạn chế thì ghi vào trong luật. Những gì luật pháp không cấm thì người dân, doanh nghiệp được tự do đầu tư, kinh doanh. Vấn đề thứ 2 là tất cả các doanh nghiệp Việt Nam không cần được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Họ được quyền tự do kinh doanh theo những lĩnh vực mà luật pháp đã quy định, cho phép. Nếu kinh doanh ở những lĩnh vực có điều kiện thì họ cần phải đáp ứng những điều kiện đó. Các cơ quan quản lý Nhà nước sau đó sẽ kiểm tra. Nếu thấy chưa đúng thì yêu cầu chỉnh sửa, nếu mức độ vi phạm là quá lớn thì có thể dừng.

 

Khi Luật đầu tư (sửa đổi) và Luật doanh nghiệp (sửa đổi) được áp dụng thông suốt thì doanh nghiệp có thể dễ dàng chuyển lĩnh vực kinh doanh nếu thấy lợi nhuận cao hơn mà không vướng các thủ tục xin phép như trước đây. Sự thay đổi trên sẽ cải thiện đáng kể môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, tăng tính tự chủ của doanh nghiệp, khiến họ linh động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Đi kèm với đó là thủ tục hành chính trong đầu tư đang theo  hướng giảm thiểu hình thức cấp phép để chuyển sang áp dụng chủ yếu hình thức ban hành quy định về tiêu chuẩn, điều kiện để nhà đầu tư tự đăng ký thực hiện và cơ quan quản lý tiến hành hậu kiểm. Từ các quy định thông thoáng này, doanh nghiệp sẽ tự chịu trách nhiệm về mình cũng như trách nhiệm trước cơ quan nhà nước nhiều hơn. Chủ tịch phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, đánh giá:Các luật đưa ra các giải pháp mạnh mẽ trên tinh thần tạo thuận lợi tối đa, giảm thiểu cho cải cách hành  chính bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp; đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật về kinh doanh để những nội dung này không chỉ áp dụng cho doanh nghiệp mà cho tất cả chủ thể kinh doanh khác. Đây là điều chỉnh có tính chất đột phá.

 

Thách thức cho cơ quan quản lý

Việc mở rộng các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh như luật mới sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nhưng đồng thời cũng tao sự xáo trộn nhất định trên thị trường. Thêm vào đó, các lĩnh vực được đầu tư lại rộng hơn nhiều lần nên sẽ tạo ra một thách thức không nhỏ đối với cơ quan quản lý trong vai trò hậu kiểm doanh nghiệp, nhà đầu tư. Do đó cần có một bộ máy với những nhân sự thật giỏi về hậu kiểm kinh doanh nhưng không gây phiền hà cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Ông Lê Đắc Lâm, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho rằng: Để phát huy được hiệu quả, hiệu lực công tác quản kkys doanh nghiệp thì cần phải luật hóa các quy định, quy định rõ về  quyền hạn trách  nhiệm giữa các cơ quan quản lý Nhà nước để có cơ chế tốt trong công tác hậu kiểm.

 

Luật đầu tư (sửa đổi) và Luật doanh nghiệp (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ 1/7/2015. Cơ quan chức năng và dư luận kỳ vọng sau khi 2 luật có hiệu lực sẽ tạo ra một động lực mới cho người dân và doanh nghiệp, tạo một làn sóng thành lập doanh nghiệp mới, góp phần khuyến khích người dân đầu tư kinh doanh, tạo ra hàng triệu việc làm và các giá trị quan trọng khác cho đất nước./.

 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác