(VOV5) -Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần này dừng trong bầu không khí khá thân thiện, tôn trọng nhau, chứ không phải là đàm phán đổ vỡ và hai bên quay trở lại vạch xuất phát.
Cuộc gặp Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần 2 vừa kết thúc cuối tuần qua tại Hà Nội. Dù không đưa ra được thỏa thuận chung nhưng nhiều nhà quan sát, phân tích và bình luận quốc tế nhận định cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội mang nhiều ý nghĩa, thu hẹp bất đồng và tạo nền móng cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong tương lai.
Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội hôm 28/2 kết thúc mà không đưa ra được thỏa thuận chung. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của các nhà quan sát, Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần 2 không phải là không có kết quả mà ngược lại, mang nhiều ý nghĩa, hạ nhiệt căng thẳng và mở đường cho các cuộc đàm phán thời gian tới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 3, trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (thứ 2, phải) tại cuộc họp mở rộng với các quan chức hai nước trong ngày thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở Hà Nội, ngày 28/2/2019. Ảnh: AFP/TTXVN |
Nhiều lý do để lạc quan
Ngay trước khi Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ Triều Tiên lần 2 diễn ra tại Hà Nội, nhiều ý kiến dự đoán sẽ khó có thể có bước đột phá lớn bởi đây là một vấn đề đã tồn tại dai dẳng nhiều thập kỷ qua. Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên luôn là chủ đề nóng và là mối “nặng lòng” của 4 đời Tổng thống Hoa Kỳ. Vì vậy, việc hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Triều Tiên tại cuộc gặp lần này không đạt được một Tuyên bố chung cũng không phải là một bước lùi mà ngược lại, phân tích kỹ, kết quả này hoàn toàn có nhiều lý do để lạc quan.
Thứ nhất, rõ ràng hai bên đã đạt được cái cần đạt. Đó là Tổng thống Trump được Chủ tịch Kim Jong Un đảm bảo sẽ không có các vụ thử hạt nhân và tên lửa nữa trong tương lai khi hai bên tiến hành đàm phán. Ở chiều ngược lại, Tổng thống D.Trump cam kết sẽ không siết chặt thêm cấm vận và dừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc. Trong thông báo phát đi ngày 2/3, 2 ngày sau cuộc gặp thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và Hoa Kỳ đều tuyên bố quyết định điều chỉnh chương trình huấn luyện chung với mong muốn giảm căng thẳng và hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao để đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên. Rõ ràng, đây là một bước chuyển tích cực bởi từ trước tới nay các cuộc tập trận chung Hoa Kỳ-Hàn Quốc luôn gây phẫn nộ cho Triều Tiên. Theo Bình Nhưỡng, hoạt động này là sự chuẩn bị cho cuộc xâm lược nhằm vào Triều Tiên.
Một điểm được dư luận chú ý là Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần này dừng trong bầu không khí khá thân thiện, tôn trọng nhau, chứ không phải là đàm phán đổ vỡ và hai bên quay trở lại vạch xuất phát. Điều này cho thấy bản thân câu chuyện đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên là vấn đề lớn và các bên cần thêm nhiều thời gian. Thực tế, hơn 20 năm qua, qua bốn đời tổng thống Hoa Kỳ, các cuộc đàm phán hoàn toàn bế tắc. Do đó sẽ hết sức phi thực tế nếu đặt quá nhiều kỳ vọng vào sự đột phá, vì thực tế là hai bên mới chỉ đàm phán cấp cao trực tiếp 8 tháng trước, tính từ thời điểm cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ nhất tại Singapore vào tháng 6/2018.
Một lý do nữa để lạc quan là sau Hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội, hai bên đều để ngỏ cánh cửa đàm phán trong thời gian tới. Cùng với tuyên bố sẽ gặp lại Tổng thống Donald Trump, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un còn đánh giá cao nỗ lực của Tổng thống Donald Trump trong việc cố gắng hướng đến kết quả của đàm phán và khẳng định rằng các cuộc đối thoại trong hội nghị thượng đỉnh là tích cực. Trong khi đó, Tổng thống D.Trump cho biết Hoa Kỳ mong muốn tiếp tục đối thoại với Triều Tiên trong thời gian tới.
Có lòng tin sẽ có kết quả
Trong bất kỳ một cuộc đàm phán nào, việc xây dựng lòng tin là vô cùng quan trọng, quyết định thành bại của mọi vấn đề. Việc hai nhà lãnh đạo đồng ý gặp lại nhau, mong muốn tiếp tục đàm phán để giải quyết bế tắc, khẳng định có mối quan hệ cá nhân tốt, dành cho nhau sự tôn trọng…, là những cơ sở để tạo nền móng cho các cuộc gặp Hoa Kỳ-Triều Tiên khác trong tương lai. Con đường phía trước có thể sẽ còn nhiều chông gai, nhưng nếu cả hai bên vẫn tiếp tục giữ được lòng tin, tích cực trong việc giải quyết các bất đồng, Hoa Kỳ và Triều Tiên hoàn toàn có khả năng đạt được thỏa thuận trong tương lai.