(VOV5) -1/2 chặng đường của năm 2018 đã đi qua và những kết quả mà kinh tế Việt Nam đạt được là những nỗ lực không thể phủ nhận.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc được Chính phủ triệu tập ngày 2/7, trong bối cảnh tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 7,08% , cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng để phân tích, làm rõ tình hình 6 tháng đầu năm 2018 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương thể hiện sự quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng.
Qua 1/2 chặng đường của năm 2018, kinh tế Việt Nam đạt tốc độ đáng khích lệ. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011. Động lực chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng chung là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với mức tăng hơn 13%.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: -Quang Hiếu
|
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 747 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% GDP và tăng 10,1% so với cùng kỳ, trong đó khu vực ngoài nhà nước chiếm tỉ trọng lớn nhất và có mức tăng cao nhất.....
Những kết quả khả quan nói trên có ý nghĩa quan trọng, trong bối cảnh Việt Nam đã đi được nửa chặng đường của năm 2018, phản ánh sự đúng đắn của chủ trương của Đảng về phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Nhận diện những thách thức
Tại hội nghị, ghi nhận những thành quả mà nền kinh tế đạt được song các đại biểu cũng nhận diện những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong thời gian tới. Đó là mô hình tốc độ tăng GDP năm 2018 có xu hướng giảm dần, từ 7,45% của quý I (sau khi đánh giá lại) đã giảm xuống còn 6,79% của quý II. Tuy vẫn ở mức khá, nhưng để đạt được mục tiêu kịch bản tăng trưởng đề ra (6,7% ) thì cần có sự nỗ lực, phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa trong 2 quý còn lại của năm.
Thứ hai là tuy lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát nhưng liên tiếp hai tháng qua, chỉ số CPI đã có sự tăng mạnh so với tháng trước đó (tháng 5 là 0,55%, tháng 6 là 0,61%). Đây là mức tăng cao và nếu tiếp diễn sẽ gây khó khăn cho việc kiểm soát mục tiêu CPI bình quân cả năm dưới 4%. Dự kiến còn 2 đợt giá cả có thể tăng cao, là dịp bắt đầu năm học mới và tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cảnh báo kinh tế thế giới sẽ không duy trì được đà tăng trưởng khá vào năm 2019 và có tác động rất lớn đối với các nước đang phát triển, nước có xuất khẩu lớn, trong đó có Việt Nam. Do vậy, việc dự phòng trước các phương án, đối sách để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và mức tăng trưởng kinh tế hợp lý là rất cần thiết, trong đó tập trung đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh phát triển về chất lượng trong tất cả các ngành, lĩnh vực, qua đó tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế và thương mại thế giới.
Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: "Phối hợp chặt chẽ, điều hành linh hoạt, tổ chức tốt công tác giám sát kinh tế thế giới để kịp thời đề ra các giải pháp. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, nhanh chóng hoàn thiện chiến lược quốc gia về hội nhập trong thời kỳ 4.0; thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công."
Địa phương đồng lòng
Để hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng trong năm 2018, cùng với sự chỉ đạo, điều hành của chính phủ thì vai trò triển khai của các địa phương là rất quan trọng. Tại hội nghị, lãnh đạo nhiều địa phương chỉ ra những bước đi cụ thể của từng tỉnh, thành cũng như sự quyết tâm để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đề ra. Theo đó sẽ tập trung chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng, huy động nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng đô thị...
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Nguyễn Đức Chung cho biết: "Thành phố Hà nội sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ theo nghị quyết 01 của chính phủ, tiếp tục cải cách hành chính, triển khai luật hỗ trợ doanh nghiêp nhỏ và vừa. Từ 1/8/2018, Hà Nội tập trung rà soát, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất để tạo hiệu quả kinh tế cao hơn."
Trong khi đó, đại diện khu vực phía Nam, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: "Thành phố sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh cổ phần hóa, sắp xếp đơn vị kinh doanh, tập trung phát triển du lịch đường thủy, xây dựng đề án khu đô thị sáng tạo phía Đông thành phố. Triển khai đồng bộ các giải pháp khác để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như vai trò đầu tàu của Thành phố."
1/2 chặng đường của năm 2018 đã đi qua và những kết quả mà kinh tế Việt Nam đạt được là những nỗ lực không thể phủ nhận. Tuy nhiên việc Chính phủ và các địa phương không chủ quan với thành tích mà chủ động nhận diện rõ thách thức, khắc phục những yếu kém sẽ góp phần để Việt Nam giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đạt mục tiêu đề ra cho cả năm.