Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh

(VOV5) - Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng hai trong hai ngày 5 và 6/3 mới đây thảo luận và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng, trong đó có các giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012. Những giải pháp đồng bộ này nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế trong thời gian tới.


Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh - ảnh 1
Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2012 (Ảnh: Chinhphu.vn)


Chính phủ đánh giá trong hai tháng đầu năm 2012, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2011. Tổng kim ngạch xuất khẩu hai tháng qua ước đạt gần 15,9 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt gần 1 tỷ USD, bằng 91% so với cùng kỳ năm 2011. Vốn ODA giải ngân ước đạt khoảng 118 triệu USD, bằng hơn 94% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận định tình hình kinh tế xã hội VN trong tháng qua vẫn nổi lên những khó khăn, tồn tại. Lạm phát tuy đã được kiềm chế nhưng vẫn ở mức cao; sản xuất công nghiệp tăng chậm và là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua, hàng hóa tồn kho gia tăng, chi phí đầu vào cao, quy mô sản xuất thu hẹp…


Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, trong  thời gian tới, Chính phủ vẫn tiếp tục kiên trì ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo tăng trường hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội. Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành kiểm soát tốt về nhu cầu hàng hoá, góp phần kiềm chế lạm phát, nhất là kiểm soát chặt các mặt hàng xăng dầu, ga và thuốc chữa bệnh, đề xuất các giải pháp và lộ trình thực hiện điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu vừa đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.Về các giải pháp cho vấn đề này, ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trong cuộc họp báo sau phiên họp thường kỳ kỳ chính phủ, cho biết: “Một số nơi có biểu hiện găm hàng thì trách nhiệm giao cho Bộ Công thương xem xét và xử lý nghiêm theo đúng pháp luật. Không chỉ đối với xăng dầu mà tất cả các hành vi trục lợi  gây ảnh hưởng tới người sử dụng, lợi ích của nhân dân và trái với quy định của nhà nước thì đều phải xử lý nghiêm túc”.

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh - ảnh 2


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đánh giá việc điều hành tỷ giá ngoại tệ từ đầu năm đến nay là tốt, góp phần quan trọng kiểm soát lạm phát. Hiện lãi suất cho vay có xu hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị sau phiên họp thường kỳ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ theo hướng giảm lãi suất tín dụng, đảm bảo tăng trưởng tín dụng hợp lý, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, giải quyết hài hoà các mục tiêu kiềm chế lạm phát, giải quyết thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại và ổn định tỷ giá ngoại tệ, ưu tiên vốn cho các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, chương trình nhà ở xã hội. Liên quan đến vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết: “Chủ trương của Ngân hàng nhà nước hiện này là đã đến lúc Ngân hàng nhà nước có thể hạ mặt bằng lãi suất xuống 1%. Và đối với thị trường các tổ chức tín dụng thì trần lãi suất cũng giảm xuống 1%. Chúng tôi khẳng định tình hình thanh khoản được cải tiến như vậy nhưng Ngân hàng nhà nước sẽ có các biện pháp điều phối việc cung ứng tiền theo hướng tạo ra các nguồn vốn để các tổ chức tín dụng có thể sử dụng để cho vay được, tạo ra cú hích ban đầu cho các tổ chức tín dụng có nguồn vốn để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng”.


Cũng tại phiên họp thường kỳ Chính phủ lần này, Thủ tướng Chính phủ đã giao các ngành đề xuất các biện pháp thuế để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, thực hiện các biện pháp phát triển thị trường, tăng cường đưa hàng về nông thôn, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ. Thủ tướng cũng yêu cầu các ngành, các cấp có các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp trong nước phát triển và hoạt động hiệu quả, đẩy mạnh huy động các nguồn vốn trong nước với nhiều hình thức đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đăng ký mới và tăng thêm bốn, đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn FDI, ODA , đảm bảo chất lượng các công trình xây dựng. Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ các bộ, ngành, địa phương tiêp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội để đảm bảo phát triển bền vững./.


Thu Hoa

Phản hồi

Các tin/bài khác