(VOV5) - Trong năm đầu tiên tổ chức chương trình Tết Nhân ái (năm 2023), Hội chữ thập đỏ đã thu được nhiều thành công trên nhiều phương diện.
Việc quan tâm đến người nghèo, những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, sự góp sức của các tổ chức, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Phong trào Tết Nhân ái do Hội chữ thập đỏ Việt Nam triển khai trước Tết Nguyên đán đã và đang hội tụ rất rõ những ưu việt trên, góp phần khắc họa rõ nét truyền thống tương thân, tương ái của người Việt Nam.
Niềm vui của người dân nghèo khi được mua sắm tại phiên chợ nhân đạo do Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hòa Bình tổ chức. Ảnh minh họa: Trọng Đạt/TTXVN |
Phong trào Tết Nhân ái được thực hiện từ năm 2023 trên cơ sở kế thừa, phát huy kết quả của Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động từ năm 1999.
Bao trùm những đối tượng khó khăn, dễ bị tổn thương
Theo bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ Việt Nam, năm nay là năm thứ hai, phong trào Tết Nhân ái được tổ chức. Hội đặt mục tiêu sẽ vận động được 1,2 triệu suất quà, trị giá hoạt động khoảng 700 tỷ đồng (30 triệu USD) và những hoạt động này được triển khai ở tất cả các vùng, miền trong cả nước. Riêng Trung ương hội sẽ tổ chức điểm ở 18 tỉnh, thành phố: "Phong trào Tết Nhân ái mang nhiều ý nghĩa. Thứ nhất là đối tượng được hưởng lợi từ chương trình bao trùm hơn. Những đối tượng khó khăn, những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội đều có thể đến không gian Tết Nhân ái để nhận được sự chăm lo, trợ giúp của xã hội. Chúng tôi cũng mong muốn cái tên của Tết Nhân ái sẽ lan tỏa để cho mỗi người bằng tấm lòng, bằng tình cảm và khả năng của mình đều có thể đóng góp vào Tết Nhân ái, đều có thể hỗ trợ cho những người khó khăn hơn trong cộng đồng".
Ngoài 18 tỉnh, thành tổ chức điểm, theo Chủ tịch Hội chữ thập đỏ Việt Nam, tùy từng địa phương, từng ngành đều có thể tổ chức một mô hình Tết Nhân ái để người dân không chỉ được nhận phần quà về vật chất mà còn về tinh thần, được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, được khám, chữa bệnh…. Bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ Việt Nam, khẳng định: "Chúng tôi luôn tâm niệm rằng làm sao tất cả những hoạt động Tết của mình đến được những người nghèo nhất, những người khó khăn nhất, những người cần sự trợ giúp nhất, để không có người nghèo, người khó khăn nào không được nhận suất quà Tết. Chính vì vậy, năm nay chúng tôi tập trung nhiều hơn vào những đối tượng khó khăn ở những vùng rất khó, rất rất khó để chúng ta có thể tổ chức được gian Tết đầy đủ các hoạt động. Chúng tôi đề nghị các thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố đều có những hoạt động này bằng quy mô bằng khả năng của mình để có thể hỗ trợ cho người dân".
Sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng
Trong năm đầu tiên tổ chức chương trình Tết Nhân ái (năm 2023), Hội chữ thập đỏ đã thu được nhiều thành công trên nhiều phương diện. |
Hội đã vận động được trên 1.100 tỷ (khoảng 47 triệu USD) và hơn 2 triệu suất quà, mục tiêu ban đầu là khoảng 600 tỷ (25,7 triệu USD) và 1 triệu suất quà. Đối tượng được hưởng lợi từ chương trình không trùng với những đối tượng của các chương trình khác. Ngoài ra, qua cách tổ chức Tết, mọi người, mọi tổ chức bằng khả năng của mình, đều có thể tham gia cùng Hội chữ thập đỏ. Bà Bùi Thị Hòa đánh giá: "Sự đóng góp của cộng đồng là một kênh rất quan trọng, có thể nói có tính chất quyết định cho việc thực hiện những mục tiêu nhân đạo của Hội chữ thập đỏ Việt Nam. Chúng tôi vận động Đoàn thanh niên có thể đưa các nhóm tình nguyện đến cắt tóc cho những người nghèo, người khó khăn. Chúng tôi vận động các y, bác sỹ đến để tư vấn sức khỏe và tặng thuốc cho bà con. Chúng tôi có thể vận động hội liên hiệp phụ nữ làm Không gian áo dài và làm không gian gói bánh chưng, bánh tét tặng cho bà con. Như vậy, mọi người đều có thể tham gia vào một cái Tết không gian chung của chúng tôi".
Theo Chủ tịch Hội chữ thập đỏ Việt Nam, những nụ cười, những niềm vui của người dân khi chọn những món quà thực sự cần thiết cho gia đình trong dịp Tết đã cho thấy sự gắn bó giữa ý Đảng, lòng dân, giữa sự quan tâm chăm lo của xã hội với mong muốn của những người nghèo. Đồng thời đó cũng chính là những hình ảnh hết sức sinh động về truyền thống tương thân tương ái của người Việt Nam.