(VOV5) - Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đang chung sức gắn kết mọi người xây dựng cộng đồng nhân ái bằng "sức mạnh nhân đạo", lan tỏa truyền thống nhân ái giữa con người với con người.
Dân tộc Việt Nam vốn giàu lòng nhân ái. Truyền thống tốt đẹp này được lưu truyền, bồi đắp trong suốt chiều dài lịch sử, tạo nên nguồn sức mạnh, gắn bó các thế hệ người dân Việt Nam. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, một tổ chức xã hội nhân đạo của quần chúng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đã thực hiện các chính sách xã hội, nhân đạo, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế chăm lo cho người khó khăn, từ đó lan toả tinh thần nhân ái và sẻ chia yêu thương đến người dân trong nước và quốc tế.
Công tác tình nguyện của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, xuất hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả. |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Từ khi thành lập vào ngày 23/11/1946, Hội Hồng Thập tự Việt Nam (tổ chức tiền thân của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày nay) đã tập trung vào nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, bước đầu đặt nền tảng cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực nhân đạo. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Việt Nam đã trao trả cho nước Pháp hơn 10.000 tù binh chiến tranh nhờ chính sách khoan hồng, nhân đạo của chính phủ Việt Nam và theo tinh thần Luật Nhân đạo quốc tế. Nhiều người lính Pháp khi xưa không thể nào quên hình ảnh những phụ nữ Việt Nam khiêng cáng các bệnh binh Pháp và Bắc Phi trên con đường núi hiểm trở; các cán bộ y tế chăm sóc, băng bó vết thương và điều trị tận tình. Trước khi về nước, những người lính Pháp đã ứa nước mắt về tấm lòng nhân hậu, tình yêu thương con người của các y, bác sĩ Việt Nam.
Chiến tranh không những khiến nhiều gia đình phải ly tán mà còn bị mất liên lạc với người thân. Đã có thời kỳ, nhiều người Việt sơ tán sang Lào, rồi vượt dòng Mekong sang Thái Lan tránh chiến tranh. Từ lời kêu gọi trở về xây dựng quê hương của Bác Hồ, hàng chục ngàn kiều bào đã hồi hương, tỏa đi các địa phương làm kinh tế mới, như: Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.... Ông Phạm Văn Nghiêm, trước đây sinh sống tại Thái Lan, sau đó về Việt Nam trên chuyến tàu thứ 14, được Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra đón. Ông bồi hồi nhớ lại: "Khi vào cảng, tôi thấy người dân Hải Phòng tiếp đón rất là niềm nở, rất là tình người mà bao nhiêu năm sống bên kia mình không có được. Tôi nhận được tình cảm của đồng bào ra đón tiếp, rồi sắp xếp công ăn việc làm, sắp xếp chỗ ở cũng rất phấn khởi. Sau đó, tôi được lên Hà Nội làm ở Cục quản lý sản xuất, Bộ Ngoại thương, 139, Lò Đúc, Hà Nội".
Hội chữ thập đỏ Việt Nam không chỉ động viên, khích lệ bà con tích cực lao động, sản xuất trên quê mới mà còn đáp ứng nguyện vọng đoàn tụ của những gia đình có thân nhân mất liên lạc do chiến tranh, hỗ trợ những trường hợp bị chia ly được đoàn tụ thông qua Phòng tìm kiếm tin tức thân nhân (nay là Ban Đối ngoại & Phát triển Trung ương Hội). Riêng Hội Chữ thập đỏ Thành phố Hồ Chí Minh đã giúp được gần 400 gia đình đoàn tụ, trong đó nhiều trường hợp có thân nhân lưu lạc ở nước ngoài.
Xuất phát điểm là một nước nghèo, lại hay xảy ra nhiều thiên tai, thảm hoạ, với đường lối đổi mới và cởi mở, Việt Nam đã kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ, giúp đỡ Việt Nam tái thiết đất nước sau chiến tranh. Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Ủy ban quốc tế Chữ thập đỏ, Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế đã hợp tác và hỗ trợ viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam thông qua các chương trình, dự án có liên quan đến xoá đói giảm nghèo, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường…
Bà Bùi Thị Hoà, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, phát biểu khai mạc hội nghị Hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 11 (AP-11). |
Từ 2012 - 2017, Hội tiếp nhận triển khai trung bình khoảng 20 dự án/năm do các đối tác quốc tế tài trợ với tổng kinh phí đạt hơn 510 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực phòng ngừa, ứng phó thảm họa, cứu trợ khẩn cấp, giảm thiểu rủi ro thảm họa và ứng phó với biến đổi khí hậu… Bà Bùi Thị Hoà, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, cho biết: "Việt Nam đã trải qua hàng nghìn năm khai thiên lập địa, luôn kiên cường trước đầu sóng ngọn gió. Người dân Việt Nam hòa hiếu, kiên trung đã đúc kết nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, thích ứng với thiên nhiên, chung sống với thiên nhiên, cải biến thiên thiên bằng văn hóa ứng xử với thiên tai, dịch bệnh, bằng sức mạnh đoàn kết của cộng đồng, của dân tộc Việt Nam. Việt Nam cũng là một quốc gia đi tiên phong và rất thành công trong phòng, chống đại dịch Covid - 19. Chúng tôi tự hào để kể với các bạn quốc tế về các câu chuyện phát triển bền vững thông qua những thành tựu của đất nước, bản sắc của nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, về tinh thần nhân ái của người dân Việt Nam và quyết tâm đổi mới, xây dựng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam".
Các đại biểu của hội chữ thập đỏ các quốc gia tham gia hội nghị Hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 11 tại Việt Nam. |
Qua các hoạt động hợp tác đối tác trong các hoạt động hợp tác nhân đạo giữa các nước, học hỏi kinh nghiệm từ nước bạn, Việt Nam đã trở thành thành viên tiên phong hoàn thành trước hạn các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc bao gồm: xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ cũng như những tiêu chuẩn về chăm sóc y tế cộng đồng. Cộng đồng quốc tế coi Việt Nam là một trong những hình mẫu hình lý tưởng thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về y tế. Ông Jagan Chapagain, Tổng Thư ký Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, đánh giá cao Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã nỗ lực chăm lo, giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với người dân. Ông nhận định: “Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là thành viên đóng góp nhiều giá trị cho Hiệp hội. Tôi hy vọng và kỳ vọng rất cao từ các tình nguyện viên trẻ ở Việt Nam. Thanh niên là bộ phận cực kỳ quan trọng vì hơn 60% tình nguyện viên toàn cầu là những người trẻ”.
“Kết nối - sẻ chia và lan tỏa”, “Vì mọi người, ở mọi nơi”, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đang chung sức gắn kết mọi người xây dựng cộng đồng nhân ái bằng "sức mạnh nhân đạo", lan tỏa truyền thống nhân ái, giá trị tốt đẹp của nhân đạo, tinh thần nhân văn giữa con người với con người trên khắp hành tinh.