(VOV5) - Liên Hợp Quốc - tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh, ra đời ngày 24/10/1945 với tôn chỉ ngăn chặn chiến tranh và xung đột, giữ gìn hòa bình và an ninh thế giới. Qua 68 năm, từ một tổ chức quốc tế có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống quốc tế, trước những biến động nhanh chóng và phức tạp của thế giới thời gian gần đây, Liên hợp quốc đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề thuộc về lòng tin và có nguy cơ bị đẩy ra bên lề chính trường thế giới. Bởi vậy, tìm kiếm các biện pháp để cải tổ hệ thống cho phù hợp với tình hình mới là nhu cầu cấp thiết hiện nay của tổ chức này.
|
Trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York, Mỹ |
Những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn
Không thể phủ nhận, kể từ khi thành lập, Liên hợp quốc đã đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế. Theo thống kê 68 năm qua, đóng góp lớn nhất của Liên hợp quốc là đã góp phần ngăn ngừa không để xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới mới, Liên hợp quốc đã đóng vai trò làm giảm 80% những cuộc xung đột bạo lực đẫm máu, 80% những cuộc diệt chủng và thanh lọc chính trị, thúc đẩy quá trình phi thực dân hóa, góp phần đưa các vùng lãnh thổ không tự quản trở thành các quốc gia độc lập.
Nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, trật tự pháp lý quốc tế mất cân bằng do ảnh hưởng ngày càng tăng của các cường quốc và quan niệm về chủ quyền quốc gia của các nước thay đổi, hoạt động của Liên hợp quốc, lại đang không đáp ứng kịp với những thay đổi đó. Các cuộc xung đột vẫn không ngừng xảy ra, các hoạt động khủng bố, việc sử dụng các loại vũ khí hóa học, hay các cuộc thử vũ khí hạt nhân… vẫn tiếp diễn ở nhiều khu vực trên thế giới mà chưa có một giải pháp hữu hiệu nào để giải quyết. Bên cạnh đó, uy tín cũng như hiệu quả hoạt động của Liên hợp quốc cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi các vấn đề liên quan đến chương trình viện trợ nhân đạo chậm trễ, kém hiệu quả, lực lượng gìn giữ hòa bình chưa hoạt động được như mong muốn.
Thực tế gần đây nhất, Arab Saudi đã từ chối trở thành thành viên không thường trực Hội đồng bảo an do quốc gia này bất bình trước sự “bất lực” của Liên Hiệp Quốc trong việc giải quyết cuộc xung đột tại Syria. Theo thông báo chính thức từ chính quyền Ryad, kể từ khi khủng hoảng Syria mở màn vào tháng 3/2011, mãi đến ngày 27/09/2013, do liên tục gặp phải sự chống đối của hai thành viên thường trực là Nga và Trung Quốc, Liên hợp quốc mới đạt đồng thuận về một nghị quyết đầu tiên, đòi Damas hủy vũ khí hóa học. Bình luận về quyết định của Arab Saudi, nhiều nước coi đây là “bất ngờ lớn”, là thái độ “lạ lùng” bởi từ trước đến nay chưa có từng có tiền lệ quốc gia nào từ chối cơ hội được tăng cường vị thế, vai trò, tiếng nói của mình trên chính trường quốc tế. Nhưng theo các nhà quan sát, quyết định của Arab Saudi không có gì khó hiểu bởi nó phần nào thể hiện sự sụt giảm lòng tin vào vai trò của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này.
Cải tổ vì lợi ích chung
Nhìn lại lịch sử 68 năm hình thành và phát triển, không phải Liên hợp quốc chưa từng tiến hành cải cách mà thực tế đã 3 lần tổ chức này tiến hành cải tổ. Tuy nhiên các cuộc cải cách này mới chỉ dừng lại ở việc tăng số lượng thành viên ở các cơ quan như Hội đồng kinh tế-xã hội, Hội đồng bảo an. Từ đầu những năm 90, Liên hợp quốc đã đặt ra tham vọng cải tổ “trọn gói” Liên hợp quốc trên 3 cụm vấn đề chính là: Vấn đề phát triển và thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ; Cải tổ bộ máy Liên hợp quốc và Cải tổ Ban Thư ký và phương thức hoạt động. Tuy nhiên, trong hơn 20 năm qua, khối lượng công việc làm được gần như dậm chân tại chỗ. Những yếu tố pháp lí và thực tiễn đã và đang cản trở đến quá trình cải tổ này. Thứ nhất, đó là sự ràng buộc bởi những quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc như Quy chế ủy viên thường trực và quyền biểu quyết. Dù hầu hết các quốc gia đều đồng thuận rằng đã đến lúc cần phải cải tổ Liên hợp quốc nhưng điều này lại không thể làm được trong khuôn khổ các quy tắc hiện nay, bởi vì bất kỳ sự sửa đổi nào trong Hiến chương hoặc các vấn đề có tính chất quan trọng khác đều phải được sự đồng thuận của 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an. Nếu 5 nước ủy viên thường trực thỏa mãn với quy chế hiện nay, không ảnh hưởng đến lợi ích của họ nên họ không mặn mà gì với những biện pháp cải tổ được đề xuất và họ có quyền phủ quyết, tức là có thể phong tỏa bất kỳ nghị quyết nào. Như vậy, rõ ràng là có sự bế tắc về pháp lý. Thứ hai, trong thực tế hiện nay, có sự ganh đua giữa các khu vực, thể hiện các cuộc tranh cãi nảy lửa giữa các nhóm lợi ích khác nhau. Cải tổ, tiến bộ chưa thấy song một thực tế rõ ràng là có sự chia rẽ sâu sắc giữa các nước thành viên Liên hợp quốc và giữa các khối nước.
Vấn đề đặt ra hiện nay trong quá trình cải tổ Liên hợp quốc là làm sao tìm được những giải pháp đồng bộ, hài hòa có thể vừa đáp ứng được mọi lợi ích chung và riêng, cho tất cả các quốc gia và khu vực. Song, đây dường như là nhiệm vụ bất khả thi bởi lập trường giữa các nhóm lợi ích còn quá xa nhau và những tính toán phục vụ cho lợi ích quốc gia cục bộ ngày càng có xu hướng gia tăng. Và chắc chắn, con đường cải cách Liên hợp quốc sẽ còn mất rất nhiều thời gian mới đi đến đích./.