(VOV5) - Việc tiếp tục ứng cử thể hiện mong muốn hội nhập ngày càng sâu rộng, trở thành thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam đang tiếp tục ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 sau khi đã đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 với nhiều đóng góp thực chất, được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Việc tiếp tục ứng cử thể hiện mong muốn hội nhập ngày càng sâu rộng, trở thành thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và tiếp tục đóng góp lớn hơn vào hòa bình, phát triển và thịnh vượng trên thế giới của Việt Nam.
Ngày 23/5/2019, tại New York (Mỹ), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiến hành phiên Thảo luận mở với chủ đề “Bảo vệ dân thường trong xung đột vũ trang”. Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc có bài phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN
|
Là một trong sáu cơ quan chính của Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an được các quốc gia thành viên trao trách nhiệm chính đối với việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên: 5 thành viên thường trực (Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Hoa Kỳ) và 10 thành viên không thường trực có nhiệm kỳ 2 năm do Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu. 10 ghế không thường trực Hội đồng Bảo an được phân theo khu vực địa lý.
Việt Nam đã đóng góp tích cực, chủ động và toàn diện
Ngay sau khi được Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã tham gia đóng góp tích cực, chủ động và toàn diện trên tất cả các vấn đề của Hội đồng Bảo an. Không chỉ bắt nhịp nhanh, tham gia đầy đủ 1.500 cuộc họp của Hội đồng Bảo an, Việt Nam còn đóng góp tích cực trên tất cả các vấn đề và tất cả các khâu từ phát biểu, tham gia thương lượng, đóng góp xây dựng nghị quyết, văn kiện. Việt Nam đã làm Chủ tịch và Phó Chủ tịch một số tiểu ban của Hội đồng Bảo an, hai lần làm Chủ tịch tháng của Hội đồng Bảo an, xây dựng Báo cáo năm về công việc của Hội đồng Bảo an, cũng như chủ trì soạn thảo, thương lượng giúp Hội đồng Bảo an thông qua 1 Nghị quyết về phụ nữ và hòa bình an ninh. Là đại diện của châu Á, Việt Nam đã quan tâm thúc đẩy giải quyết hòa bình các vấn đề ở khu vực. Việt Nam quan tâm thúc đẩy các vấn đề ở các khu vực khác như châu Phi, Trung Đông. Trong hai lần là Chủ tịch tháng của Hội đồng Bảo an, Việt Nam đều thúc đẩy thảo luận mở về vấn đề hòa bình Trung Đông.
Ngày 11/4/2019, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), Hội đồng Bảo an LHQ tổ chức phiên thảo luận mở với chủ đề “Phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ”. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự và có bài phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: Hoài Thanh/TTXVN
|
Sự tham gia và biểu quyết của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an về các vấn đề chống chiến tranh, giải trừ quân bị, chống khủng bố, hạn chế việc áp dụng các biện pháp trừng phạt, đóng góp cho việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, đẩy lùi những âm mưu lợi dụng dân chủ, nhân quyền để can thiệp... đã góp phần bảo đảm lập trường nguyên tắc cũng như các lợi ích quốc gia. Đồng thời, Việt Nam đã linh hoạt, khéo léo xử lý tốt quan hệ với các nước lớn, các nước có lợi ích liên quan, và các bạn bè truyền thống... trên cơ sở tôn trọng và bảo vệ các lợi ích chính đáng của các bên, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Việt Nam đã duy trì trao đổi, tham vấn thường xuyên với các nước thành viên Hội đồng Bảo an ở các cấp, tại New York và thủ đô các nước, đặc biệt với Nga và Trung Quốc, tạo được mối quan hệ hợp tác, tin cậy, thẳng thắn với Hoa Kỳ, Anh, Pháp... Bên cạnh đó, Việt Nam định kỳ trao đổi với các nhóm nước châu Á, châu Phi, Ả Rập và giữ vai trò nòng cốt trong Nhóm các nước Không liên kết tại Hội đồng Bảo an.
Trong suốt hai năm 2008-2009 là Ủy viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại yêu chuộng hòa bình, đóng góp tích cực trong việc giải quyết xung đột, khủng hoảng trên thế giới, ủng hộ các giải pháp thông qua thương lượng hòa bình, hạn chế các biện pháp trừng phạt, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và bảo đảm các quyền dân tộc cơ bản. Qua đó, đóng góp cho hòa bình, an ninh thế giới nói chung, đảm bảo môi trường an ninh, tạo thuận lợi cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Một phiên họp của HĐBA LHQ - Ảnh: AFP/TTXVN
|
Nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam
Có thể nói, hoạt động của Việt Nam tại cơ chế hợp tác đa phương Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam, thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam và các đối tác, là minh chứng cụ thể, rõ nét về một Việt Nam chủ động, vững tin trong hội nhập quốc tế. Tổng Thư ký Liên hợp quốc và lãnh đạo nhiều nước, đặc biệt là các nước lớn, các đối tác quan trọng và trong khu vực đều đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an, cho rằng Việt Nam đã chủ động, đóng góp tích cực, trách nhiệm, xây dựng vào công việc chung và mong Việt Nam giữ vai trò lớn hơn trong việc tham gia giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế, đặc biệt khi Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông nam á ( ASEAN) vào 2020.
Tiếp theo thành công đó, hiện Việt Nam được nhiều nước ủng hộ để một lần nữa ứng cử vào Hội đồng Bảo an trong nhiệm kỳ 2020-2021. Việc tiếp tục ứng cử vào cơ quan quan trọng này sau nhiệm kỳ thành công năm 2008-2009 thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình vì độc lập dân tộc, hợp tác và phát triển của mình. Đây cũng là sự thể hiện ở mức cao nhất chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa và tham gia tích cực, có trách nhiệm tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế của Việt Nam.