Tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc: Việt Nam sẽ là một thành viên xứng đáng
Thu Hoa -  
(VOV5) - Việt Nam đã trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc và bắt đầu nhiệm kỳ hoạt động ba năm 2014 - 2016 vào ngày đầu tiên của năm 2014 tới. Việc Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền với số phiếu cao nhất trong cuộc bầu chọn của Liên hiệp quốc ngày 12/11/2013, thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu nhân quyền của Việt nam, đồng thời đem đến cho Việt Nam cơ hội đẩy mạnh nỗ lực đảm bảo nhân quyền trên toàn thế giới.
|
Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc công bố kết quả bỏ phiếu
|
Lần đầu tiên Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Vinh dự này càng lớn hơn nữa khi sự ủng hộ dành cho Việt Nam ở mức cao nhất trong tất cả các nước ứng cử lần này. Kết quả bỏ phiếu cho thấy cộng đồng quốc tế đã đặt nhiều sự tin tưởng vào Việt Nam, xuất phát từ những nỗ lực đảm bảo nhân quyền mà Việt Nam đã kiên trì thực hiện trong thời gian qua.
Thành tựu nhân quyền được ghi nhận
Tuy là một nước đang phát triển và gặp nhiều khó khăn nhưng cả hệ thống chính trị, các cơ quan chức năng cho tới từng cá nhân trên đất nước Việt Nam đều nỗ lực không ngừng để xây dựng một nước Việt Nam vừa tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội, vừa bảo đảm quyền con người.
|
VN là một trong những điển hình của Liên hiệp quốc trong việc xoá đói, giảm nghèo (Ảnh minh họa) |
Về mặt chính sách, từ Hiến pháp năm 1946 đến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ được Quốc hội Việt Nam thông qua trong những ngày tới, đều thể hiện đầy đủ và toàn diện tất cả các quyền con người về kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị, dân sự. Nội dung các quyền cơ bản và phổ cập của con người cũng không ngừng được cụ thể hóa và hoàn thiện trong các văn bản luật và dưới luật của Việt Nam, phù hợp với tinh thần và các chuẩn mực được nêu trong Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới và các công ước quốc tế của Liên hiệp quốc về nhân quyền. Các cơ chế bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam được xây dựng theo nguyên tắc Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Trên thực tế, trong 5 năm qua, tăng trưởng kinh tế và tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam được duy trì khoảng 6% là mức khá cao trong khu vực. Việt Nam đã tạo thêm 8 triệu việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 9,5%, an sinh xã hội, mức hưởng thụ các dịch vụ y tế của nhân dân, nhất là với trẻ em, người nghèo, người dân tộc thiểu số được đảm bảo, chỉ số phát triển con người không ngừng tăng. Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG), trở thành một trong những điển hình của Liên hiệp quốc trong việc xoá đói, giảm nghèo.
Việt Nam còn là một ví dụ điển hình về việc đảm bảo quyền tự do ngôn luận với số lượng thuê bao Internet phát triển vượt bậc trong những năm qua. Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam cũng ngày càng phong phú, sôi động, với sự phát triển của tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới và các tôn giáo, tín ngưỡng nội sinh, cả về số lượng tổ chức và tín đồ, cơ sở tôn giáo, thờ tự, đào tạo, xuất bản phẩm…
Chặng đường nỗ lực không ngừng
Việt Nam đã là nước quan sát viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc kể từ khi tổ chức này được thành lập năm 2006 đến nay. Trong thời gian này, Việt Nam đặc biệt coi trọng và tham gia tích cực các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền, đánh giá cao Cơ chế kiểm điểm phổ cập định kỳ toàn cầu (UPR), coi đây là cơ chế hiệu quả để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các nước, qua đó thúc đẩy và bảo đảm tốt hơn các quyền con người.
|
VN tôn trọng quyền con người và tự do tôn giáo (Ảnh minh họa) |
Việt Nam đã trình bày Báo cáo UPR lần thứ nhất năm 2009, được các nước và Hội đồng Nhân quyền đánh giá cao. Việt Nam cũng tăng cường đối thoại, hợp tác, trả lời đầy đủ, đúng hạn các kháng thư về nhân quyền của Liên hiệp quốc và thực hiện các thủ tục đặc biệt của Liên hiệp quốc về các vấn đề nhân quyền.
Việc Việt Nam trúng cử, trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế và là minh rõ ràng nhất về những thành tựu nhân quyền Việt Nam. Điều này cũng cho thấy những giọng điệu phê phán Việt Nam trong vấn đề nhân quyền của các thế lực thù địch là không có giá trị.
Việt Nam sẽ đóng góp tích cực vào việc đảm bảo nhân quyền của thế giới
Việt Nam sẽ là một trong những đại diện châu Á trong Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ ba năm tới. Trong vai trò này, Việt Nam sẽ góp thêm một tiếng nói mang sắc màu Châu Á trong quá trình đưa ra sáng kiến hay tham gia xây dựng các nghị quyết về nhân quyền.
Chắc chắn Việt Nam sẽ tăng cường các biện pháp, chính sách và nguồn lực nhằm bảo đảm tốt hơn tất cả các quyền cơ bản của con người về kinh tế, xã hội, văn hóa và dân sự, chính trị theo chuẩn mực quốc tế về nhân quyền. Việt Nam sẽ tiếp tục cải tiến và hoàn thiện hệ thống luật pháp, tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền và tăng cường các thể chế quốc gia bảo vệ quyền con người, trong đó có việc nghiên cứu khả năng thành lập Cơ quan nhân quyền quốc gia.
Và vì thế, tham gia Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc là cơ hội để Việt Nam trao đổi, chia sẻ và nhân rộng những giá trị mà Việt nam đạt được trong nỗ lực đảm bảo nhân quyền trên đất nước mình với bạn bè quốc tế./.
Thu Hoa