Tham tán thương mại - cầu nối thúc đẩy xuất khẩu

(VOV5) - Trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tham gia hàng loạt Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, ngành xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai. Và để đạt được những thành công, không thể thiếu sự đóng góp của các tham tán thương mại, những người sẽ là cầu nối để hàng hóa Việt Nam vươn ra toàn cầu.

Tham tán thương mại - cầu nối thúc đẩy xuất khẩu - ảnh 1
Hàng hóa Việt Nam được ưa chuộng ở nước ngoài (Ảnh minh họa)


Trong 2 năm 2014-2015, các thương vụ của Việt Nam trên thế giới đã triển khai hơn 600 hoạt động xúc tiến thương mại. Trong đó có việc đổi mới công tác xúc tiến thương mại khi tập trung xúc tiến thương mại tại một số ngành hàng cụ thể mà Việt Nam có thế mạnh.


Tăng cường kết nối doanh nghiệp và Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài


Các thương vụ ở châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc đã tích cực phối hợp với các vụ khu vực khi đẩy mạnh việc đưa hàng Việt Nam tiếp cận các chuỗi phân phối tại các nước sở tại và định kỳ tổ chức ngày bán hàng, tuần bán hàng Việt Nam tại các chuỗi phân phối này. Tuy nhiên, khi hội nhập, doanh nghiệp Việt Nam cần sự kết nối hơn nữa với thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, đồng thời cần có thêm thông tin về thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thông tin về giá cả, nhu cầu, văn hóa, tập quán tiêu dùng... Ông Thân Đức Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty May 10, cho rằng: "Chúng tôi từng làm riêng với các thương vụ ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, nơi mà chúng tôi đã có thị trường và hàng xuất khẩu trước đây, cộng với thị trường Hàn Quốc chúng tôi có những yêu cầu riêng. Các thương vụ nên tổ chức với các ngành nghề riêng, nên có những cuộc tiếp xúc, cuộc hội thảo riêng hoặc có kênh phân bổ thời gian và phân bổ người làm riêng cho từng mảng, từng lĩnh vực cụ thể, để doanh nghiệp có thêm nhiều thông tin về thị trường".


Theo ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán Công sứ, Trưởng cơ quan thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, thời gian tới, các thương vụ sẽ chủ động nghiên cứu, đàm phán, thúc đẩy công tác xúc tiến thương mại. Riêng với các tham tán thương mại, sẽ nỗ lực, chủ động hơn nữa để đáp ứng nhu cầu thông tin, hỗ trợ của doanh nghiệp Việt Nam. Theo ông Dũng: "Việc kết nối cần phải có sự thay đổi để giảm tải việc của thương vụ với từng doanh nghiệp, trên cơ sở có rất nhiều doanh nghiệp. Trong năm vừa rồi chúng tôi đã đặt ra những trọng tâm kết nối giữa các địa phương của Việt Nam với các địa phương của Nhật để tranh thủ được những doanh nghiệp vừa và nhỏ có đóng góp lớn cho nền kinh tế Nhật Bản. Vấn đề thứ 2 là kết nối giữa các địa phương hai nước với nhau có những thỏa thuận hợp tác giữa các hiệp hội cũng như là doanh nghiệp hai nước để có cách xúc tiến hiệu quả".


Tham tán thương mại song hành cùng doanh nghiệp trong hội nhập


Với việc Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), với thị trường rộng lớn với 750 triệu dân của 12 quốc gia, sự giúp sức của các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài càng trở nên quan trọng. Điều này sẽ giúp doanh doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội do TPP mang lại. Như tại thị trường Hoa Kỳ, mỗi năm kinh ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này đạt trên 11 tỷ USD. Trong đó, hàng dệt may chiếm tới 50% tổng kim ngạch xuất khẩu; mặt hàng giày dép đạt hơn 4 tỷ USD. Năm 2018, năm đầu tiên thực hiện TPP, Việt Nam có thể tiết kiệm được một khoản thuế với dệt may là 1,68 tỷ USD; với mặt hàng giày dép là 445 triệu USD. Do vậy, nếu các thương vụ, các tham tán thương mại phát huy được vai trò của mình, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm nhiều thông tin trong việc tìm kiếm thị trường, tìm hiểu những cơ hội, thách thức của doanh nghiệp trong hội nhập. Ông Đào Trần Nhân, tham tán công sứ thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết: "Thời gian vừa qua, thương vụ ở Hoa Kỳ và các cơ quan thương vụ khác trên thế giới đã có cố gắng, nỗ lực hết sức để giúp đỡ cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng phải thấy rằng hiện nay các cơ quan thương vụ không thể trả lời, giải quyết các công việc hộ cho các doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp muốn được sự hỗ trợ tốt hơn của thương vụ ở nước ngoài thì cần nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, trước khi có liên hệ với thương vụ. Tránh tâm lý ỉ lại, khoán trắng cho thương vụ trong việc tìm hiểu thị trường".


Tham gia các Hiệp định thương mại, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với các rào cản, các vụ kiện chống bán phá giá, chính vì vậy, doanh nghiệp trong nước rất cần các tham tán thương mại các nước hỗ trợ nhiều hơn nữa về thông tin thị trường xuất khẩu, các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp Việt Nam, tư vấn pháp lý trong việc ký kết hợp đồng, xác minh thông tin đối tác...  Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: "Bộ Công thương hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp về thông tin trong xúc tiến mở rộng xuất khẩu nước ngoài và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Các cơ chế xúc tiến của địa phương rất cần các tham tán nước ngoài cập nhập những thông tin về dự báo thị trường, các quy định về đầu tư của các nước sở tại đối với doanh nghiệp Việt Nam".


Vươn lên bằng nội lực, đầu tư chi phí quảng cáo, tham dự triển lãm, kết nối giao thương mới tại các nước sở tại để giới thiệu, quảng bá hàng hóa để khách hàng nước bạn biết đến các sản phẩm của Việt Nam là những việc doanh nghiệp cần làm khi hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Với sự góp sức của các thương vụ và tham tán thương mại, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tìm ra nhiều thị trường, nhiều hướng phát triển mới cho hàng hóa trước những thách thức cạnh tranh toàn cầu.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác