(VOV5) -3 tháng còn lại đóng vai trò quan trọng cho thành quả của cả năm 2018.
Năm 2018 đang dần đi đến những tháng cuối. Đến thời điểm này, những thành quả kinh tế - xã hội đạt được trong 9 tháng qua đang tạo sự phấn chấn cho người dân, doanh nghiệp và cả những nhà lãnh đạo. Bởi kết quả đạt được cho thấy tình hình đất nước trên các lĩnh vực đã phát triển đúng hướng. Đây cũng là động lực để Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển của cả năm 2018, là tiền đề thuận lợi cho các mục tiêu của năm 2019.
Ảnh minh họa /TTXVN |
Kinh tế Việt Nam 9 tháng qua tăng trưởng khá đồng đều trên các lĩnh vực theo hướng phát triển chiều sâu và bền vững. Ngành sản xuất chế tạo tiếp tục mở rộng, sản xuất nông nghiệp tăng cao, ngành dịch vụ ổn định, tiêu dùng trong nước được duy trì tốt, đầu tư dồi dào của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước.
Kết quả từ sự chỉ đạo sâu sát
Con số tăng trưởng của 9 tháng qua cao nhất trong 8 năm qua. Điều này, theo các chuyên gia kinh tế là không ngạc nhiên vì trước hết Việt Nam đã ổn định kinh tế vĩ mô theo hướng càng ngày càng vững chắc hơn. Điều thứ 2 là môi trường kinh doanh được cải thiện rất rõ nét, rất khác biệt. Đây là thực tế mà doanh nghiệp cảm nhận được cũng như đánh giá của các tổ chức quốc tế.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung nhận định: "2 yếu tố có tính chất nền tảng này là yếu tố thức đẩy để đạt được tăng trưởng. Và tăng trưởng đạt được bằng cách đó thì sẽ là ổn định, bền vững, tăng trưởng từ những thay đổi có tính chất nền tảng của nền kinh tế."
Trong nền tảng phát triển chung của nền kinh tế có thể thấy rõ hiệu quả từ tái cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp. 2 năm trở lại đây, tăng trưởng gần 4%, đặc biệt ở đó có thay đổi về chất, về cơ cấu sản phẩm, thể hiện rõ nét nhất ở xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cũng có thay đổi về chất ở chỗ thay đổi cách thức quản lý của doanh nghiệp và thay đổi cơ cấu đầu tư của doanh nghiệp. Ở mức nào đó, cổ phần hóa đặc biệt là cổ phẩn hóa những doanh nghiệp lớn đã có kết quả nhìn thấy được. Điểm nhấn nữa là tăng trưởng của công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế tạo. Viện trưởng Nguyễn Đình Cung cho rằng: "Với những yếu tố như vậy có thể thấy cách thức tăng trưởng đã thay đổi. Tăng trưởng không dựa vào khai thác khoáng sản, không dựa vào mở rộng cung ứng tiển tệ mà tăng trưởng dựa nhiều hơn vào phía cung của nền kinh tế, tăng trưởng dựa nhiều vào tăng năng suất và tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực".
Lựa chọn đúng đắn, điều hành linh hoạt
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW, trong 9 tháng qua, sức sáng tạo và sự linh hoạt trong điều hành chính sách của Việt Nam ít nhiều đã phát huy tác dụng. Việt Nam vẫn khẳng định ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là điều rất quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài và cả các nhà đầu tư trong nước. Họ vẫn đang tích cực với hoạt động đầu tư của mình. Thậm chí, đầu tư tư nhân tăng 17% trong giai đoạn vừa rồi. Đó là tỷ lệ tăng lớn nhất trong các thành phần kinh tế, thậm chí tăng nhanh hơn cả đầu tư công và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Điều đó cho thấy niềm tin của doanh nghiệp khi được tạo cơ hội, khi được tin tưởng.
"Ở đây môi trường ổn định rất quan trọng và không thể phủ nhận vai trò quan trọng của ngân hàng nhà nước trong việc ứng xử rất linh hoạt và hiệu quả đối với những áp lực về tỷ giá. Câu chuyện là ưu tiên ổn định lạm phát và tỷ giá hơn là thúc đẩy tăng trưởng. Và ở đây còn là kết hợp hài hòa giữa 1 chính sách tạo dựng môi trường vĩ mô ổn định, hạn chế được những tác động từ bên ngoài và những chính sách tạo cho doanh nghiệp cạnh tranh hơn, ít gặp những rào cản về chính sách để có thể linh hoạt hơn trong việc tạo cơ hội cho những ngành được coi là nhạy cảm".
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá: "Chính phủ đã thành công trong việc đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định. Ngân hàng nhà nước đã thành công trong việc hỗ trợ Chính phủ kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4% và hỗ trợ chính phủ trong tất cả chính sách tiền tệ, chính sách tín dụng, chính sách lãi suất, chính sách tỷ giá để chúng ta có 1 mức tăng trưởng ấn tượng".
3 tháng còn lại đóng vai trò quan trọng cho thành quả của cả năm 2018. Thách thức từ môi trường quốc tế, từ nội tại còn nhiều. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải chủ động đón cơ hội và tận dụng được cơ hội để phát triển. Cùng với đó thì những thành quả của 9 tháng qua cũng sẽ tiếp thêm sức để Việt Nam về đích.