(VOV5) - Hiện có một nguồn vốn ít nhất 10 tỷ đôla từ nước ngoài (tương đương gần 40% tổng nhu cầu vào năm 2030 của Việt Nam) sẵn sàng đầu tư ngay lập tức vào Việt Nam.
Một công bố mới đây của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho thấy, do Việt Nam được ban tặng dồi dào nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo, cùng với tiềm năng các biện pháp tiết kiệm năng lượng thì đến năm 2035, Việt Nam có thể loại bỏ được hàng chục triệu tấn khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Điều này sẽ giúp Việt Nam thực hiện được cam kết quốc tế về hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Chương trình hôm nay, PV Hà Linh phỏng vấn ông Đào Xuân Lai, trợ lý giám đốc quốc gia, Trưởng ban khí hậu Môi trường của UNDP về cơ hội đầu tư phát triển vào năng lượng tái tạo và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam.
Ông Đào Xuân Lai, Trợ lý giám đốc quốc gia, Trưởng ban khí hậu môi trường của UNDP |
PV: Chào ông Đào Xuân Lai! Xin ông cho biết đôi nét về sự hợp tác về Phát triển bền vững giữa Việt Nam và UNDP trong hơn 40 năm qua, đặc biệt là sự hỗ trợ của UNDP những năm gần đây dành cho Việt Nam liên quan đến vấn đề chống biến đổi khí hậu?
Ông Đào Xuân Lai: UNDP có hơn 40 năm hợp tác tốt đẹp với Việt Nam trong phát triển bền vững. Một trong những chương trình quan trọng nhất hiện nay là hợp tác với Việt Nam về lĩnh vực chống biến đổi khí hậu. Chúng tôi đã giúp Việt Nam xây dựng các chính sách quan trọng liên quan với các bộ ngành, ví dụ như Luật Phòng chống thiên tai, Luật bảo vệ môi trường, Luật Khí tượng Thủy văn. Và, chúng tôi cũng hợp tác rất mạnh mẽ với Việt Nam về đánh giá rủi ro, tác động của biến đổi khí hậu và cùng tham gia vào các đề tài nghiên cứu khoa học về năng lực ứng phó với BĐKH ở Việt Nam. Chẳng hạn như UNDP giúp Việt Nam đưa ra những kịch bản về biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đã có 3 bản cập nhật từ bấy đến giờ là 2009, 2011 và 2016. Một trong những hỗ trợ của UNDP hiện nay là cùng tham gia sửa đổi một báo cáo kỹ thuật có tên“ Đóng góp do quốc gia tự quyết định NDC”. Cùng với đó, UNDP tiếp tục tập trung các chương trình hợp tác về tăng cường năng lực, khả năng chống chịu của cộng đồng dân cư ở những vùng chịu tác động mạnh nhất như các khu vực ven biển, dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên.
Ông Đào Xuân Lai tại một Hội nghị |
PV: Thưa ông, tại một Hội thảo quốc gia về biến đổi khí hậu mới đây, UNDP chỉ ra những tiềm năng của Việt Nam về phát triển năng lượng tái tạo, qua đó sẽ giúp củng cố vị trí độc lập về năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường trong tương lai ở Việt Nam. Đó cụ thể là những lợi thế gì thưa ông.?
Ông Đào Xuân Lai: Việt Nam đã cam kết giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính một phần tự nguyện và một phần có sự đóng góp của quốc tế. Những lĩnh vực mà Việt Nam có khả năng thực hiện giảm nhẹ tác động của biển đổi khí hậu là vấn đề sử dụng đất, quản lý Rừng và phát triển Năng lượng tái tạo cũng như sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Qua những nghiên cứu của chúng tôi, Việt Nam có tiềm lực lớn để phát triển năng lượng Xanh đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng Mặt trời. Nguồn năng lượng mặt trời có thể khai thác ở Việt Nam vào khoảng 85 nghìn MW và năng lượng gió tầm 21 nghìn MW. Hai con số này gộp lại là hơn 100 nghìn MW. Nếu so sánh với con số Việt Nam định sản xuất điện vào năm 2030 dự kiến là gần 130 nghìn MG thì tiềm năng là rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa có đủ công nghệ và cũng chỉ có một số dự án mới được triển khai, cho nên chưa khai thác được đầy đủ tiềm năng, lợi thế đó. Để xây dựng được hệ thống sản xuất năng lượng Xanh cần lượng kinh phí ước tính 150 tỷ đôla. Nhưng trong bối cảnh, ngân sách nhà nước còn hạn chế và phải dành cho những ưu tiên khác thì rất cần sự huy động vốn từ các nguồn lực tư nhân.:
Sau khi phỏng vấn 13 ngân hàng lớn và các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, UNDP thấy rằng hiện có một nguồn vốn ít nhất 10 tỷ đôla (tương đương gần 40% tổng nhu cầu vào năm 2030 của Việt Nam) sẵn sàng đầu tư ngay lập tức cho Việt Nam để chuyển đổi sang năng lượng sạch, nếu như Việt Nam giảm bớt một số rào cản về chính sách nhất định. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, cơ hội đầu tư phát triển vào năng lượng tái tạo vào Việt Nam đang là rất lớn.
UNDP trao giải tác phẩm báo chí viết về thiên tai 2018. |
PV: Vâng, đó là tiềm năng vậy thì theo ông, hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài đang mong muốn điều gì nhất để có thể sẵn sàng rót vốn kinh doanh vào Việt Nam trong lĩnh vực Năng lượng xanh và Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả?
Ông Đào Xuân Lai: Có thể gộp lại 3 nhóm đối tượng vấn đề mà các nhà đầu tư họ trông đợi vào. Thứ nhất là các chính sách và thị trường. Hiện nay, ở Việt Nam, những chính sách năng lượng chưa hoàn toàn ổn định trong khi thị trường điện năng chưa có tính cạnh tranh. Vì thế, các nhà đầu tư quốc tế lo ngại rằng, nếu có sự thay đổi chính sách lớn sẽ gây ra những rủi ro. Thứ 2 là môi trường, mặt bằng đầu tư chưa đủ hấp dẫn, đặc biệt liên quan đến vấn đề giá điện còn thấp ở Việt Nam. Điều này đang chưa tạo ra ra các điều kiện ưu đãi để các công ty nước ngoài sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và sử dụng hiệu quả năng lượng tại Việt Nam. Yếu tố thứ 3 mang tính thực tiễn, đó là các dạng thức của hợp đồng mua bán điện. Rõ ràng, khi người ta sản xuất điện thì phải có người mua nhưng hiện chỉ có duy nhất một khách hàng được chỉ định mua là công ty điện lực Việt Nam EVN. Tuy nhiên, đến nay, EVN vẫn chưa chắc chắn được các điều kiện về mua bán điện cũng như việc chuyển lợi ích về các nước có được đảm bảo hay không. Tôi tin rằng, nếu những vấn đề đó được giải quyết thì trong tương lai không xa khả năng sản xuất điện năng tái tạo sẽ cung cấp thêm cho Việt Nam rất nhiều lợi ích về môi trường..:
PV: Vâng, Xin cảm ơn ông!