(VOV5) - Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên năng động, đã có nhiều sự đóng góp tích cực cho Diễn đàn APEC.
Thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch những năm qua sử dụng mọi phương thức, thủ đoạn hoạt động; trong đó triệt để lợi dụng việc hội nhập quốc tế, nhằm xâm phạm an ninh quốc gia, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội ở Việt Nam. Nhưng mọi cố gắng này đều đã thất bại trước thành quả hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam. Bài viết của biên tập viên Thu Hoa.
Ảnh minh họa: TTXVN
|
Nhận thức rõ trong thời đại ngày nay, việc hội nhập quốc tế là một tất yếu khách quan, do đó Đảng, Nhà nước Việt Nam không ngừng thực hiện mọi giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo để ngày càng phát triển, mở rộng các mối quan hệ quốc tế, trong đó tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế. Thực hiện chủ trương nhất quán này, tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đã, đang đạt nhiều kết quả hết sức to lớn.
Quan hệ hợp tác của Việt Nam mở rộng toàn cầu
Về quan hệ hợp tác song phương, Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với hơn 170 quốc gia trên thế giới, quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hoá tới trên 230 thị trường của các nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam ký kết trên 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 Hiệp định chống đánh thuế hai lần và nhiều Hiệp định hợp tác về văn hoá song phương với các nước và các tổ chức quốc tế. Việt Nam thiết lập quan hệ tốt với tất cả các nước lớn, trong đó có 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các nước trong nhóm G8; nâng quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc trở thành đối tác chiến lược toàn diện, gia tăng nội hàm của quan hệ đối tác chiến lược với Nga, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Anh, Tây Ban Nha. Số lượng các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài lên tới 91 cơ quan với 65 đại sứ quán, 20 tổng lãnh sự quán, 4 phái đoàn thường trực bên cạnh các tổ chức quốc tế, 1 văn phòng kinh tế văn hóa.
Về hợp tác đa phương và khu vực, Việt Nam đã có mối quan hệ tích cực với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế như Ngân hàng phát triển Á Châu, Quỹ tiền tệ thế giới, Ngân hàng thế giới. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam được đẩy mạnh và đưa lên một tầm cao hơn bằng việc tham gia các tổ chức kinh tế, thương mại khu vực và thế giới, ký kết các hiệp định hợp tác kinh tế đa phương. Tháng 7/1995 Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và chính thức tham gia Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) từ 1/1/1996. Đây được coi là một bước đột phá về hành động trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Tiếp đó, năm 1996 Việt Nam tham gia sáng lập Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) và đến năm 1998, Việt Nam được kết nạp vào Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Đặc biệt, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam có một bước đi quan trọng khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào ngày 11 tháng 01 năm 2007 sau 11 năm đàm phán gia nhập Tổ chức này.
Phát huy vai trò thành viên trong các tổ chức kinh tế quốc tế
Với tư cách là thành viên của các tổ chức kinh tế quốc tế: WTO, ASEAN, APEC, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các cam kết và tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ các tổ chức này. Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã tiến hành nhiều cải cách chính sách thương mại theo hướng minh bạch và tự do hóa hơn, việc cải cách này thể hiện ở các cam kết đa phương về pháp luật và thể chế cũng như các cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ. Là thành viên của WTO, Việt Nam cố gắng tham gia tích cực các cuộc đàm phán trong khuôn khổ WTO ở các nội dung có liên quan đến Việt Nam có liên quan đến Việt Nam như nông nghiệp, công nghiệp, sở hữu trí tuệ, trợ cấp thủy sản và chương trình hỗ trợ thương mại của WTO. Đối với Việt Nam, ASEAN luôn là đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất. Việc thực hiện các cam kết hội nhập sâu rộng nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 đã đóng góp thiết thực cho việc cải thiện môi trường luật pháp trong nước, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, cũng như làm cơ sở, làm tiền đề giúp Việt Nam tham gia các khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương khác. Trong khuôn khổ APEC, Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên năng động, đã có nhiều sự đóng góp tích cực cho Diễn đàn APEC. Trong khuôn khổ ASEM, Việt Nam tích cực đề xuất và triển khai nhiều sáng kiến, hoạt động của ASEM, nổi bật là việc tổ chức thành công nhiều hội thảo quan trọng của ASEM. Đến nay, Việt Nam đã tham gia thiết lập Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) với 15 nước trong khuôn khổ của 6 FTA khu vực, bao gồm: Khu vực thương mại tự do ASEAN, Khu vực thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc, Khu vực thương mại tự do ASEAN- Hàn Quốc, Khu vực thương mại tự do ASEAN – Australia và New Zealand, Khu vực thương mại tự do ASEAN - Ấn độ. Các Hiệp định Thương mại mà Việt Nam đã ký kết bao gồm: Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Chilê, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU, Hiệp định Thương mại tự do CPTTP.
Như vậy trong hơn 30 năm đổi mới đất nước, Việt Nam không những đã mở rộng quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia mà còn hội nhập quốc tế toàn diện, ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Không những thế, Việt Nam còn cho thấy là một thành viên nỗ lực, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các cam kết và tích cực tham gia các hoạt động trong sân chơi toàn cầu. Thành quả hội nhập của Việt Nam những năm qua chính là bức tranh rực rỡ, làm lu mờ các chiêu thức sử dụng vấn đề hội nhập để phá hoại Việt Nam.