Thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam

Thay đổi diện mạo nông thôn  Việt Nam - ảnh 1

Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình lớn đang được Đảng, Nhà nước tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc.Sau 3 năm triển khai phong trào nông thôn mới ở 11 xã điểm và 1 năm triển khai rộng rãi trong cả nước, chương trình đã đạt được những kết quả bước đầu, góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn VN. Để chương trình tiếp tục đạt hiệu quả, việc triển khai cần được thực hiện đồng bộ, quyết liệt, thống nhất cao về nhận thức từ Trung ương đến địa phương.


Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020 là một chương trình lớn của Trung ương nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về “Tam nông”. Đây là chương trình tổng thể, toàn diện và lâu dài nhằm đáp ứng nguyện vọng của nông dân. Mục tiêu của chương trình là xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Qua hơn 1 năm thực hiện, 11 xã điểm được Ban Bí thư Trung ương Đảng lựa chọn xây dựng nông thôn mới đã có những bước đổi thay rõ rệt. Hơn 100 mô hình sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ được hình thành. Nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập của người dân tăng. Đặc biệt, nhiều công trình hạ tầng quan trọng, thiết yếu được xây dựng từ sự đóng góp của cả nhà nước và nhân dân, đem lại sự phấn khởi cho bà con nông thôn. Ông Trần Văn Hậu, người dân xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước cho biết: Đề án nông thôn mới, bản thân tôi thấy Nhà nước, chính quyền địa phương thực thi rất tốt. Đường xá, trường trạm, điện… từ ngày có chương trình, nhân dân đi lại rất thuận tiện, con em chúng tôi đi học đỡ vất vả. Chúng tôi thấy đời sống của người dân được nâng cao đáng kể.

Từ thành công của 11 xã điểm, phong trào đã được nhân rộng ra quy mô cả nước với hàng nghìn xã. Theo thống kê, đến nay 63 tỉnh, thành đã hoàn thành đánh giá sơ bộ thực trạng nông thôn mới theo 19 tiêu chí của chương trình. Mục tiêu đề ra là đến năm 2015 phấn đấu 20% số xã đạt được chuẩn tiêu chí nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu, thời gian tới cần khắc phục một số hạn chế như sự quan tâm, hướng dẫn kịp thời của các cơ quan liên quan, nguồn lực đầu tư của các địa phương cho chương trình và nhất là cần có sự dốc sức đồng lòng từ trung ương đến địa phương, sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân bởi người dân sẽ là chủ thể chính tạo nên thành công của phong trào xây dựng nông thôn mới. Nguyên Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ cho rằng: Tiêu chí về nông thôn mới trên địa bàn xã như trường, nhà văn hóa, đường, công trình vệ sinh… làm được nhiều so với trước rất nhiều. Nhân dân thấy họ được hưởng kết quả, những con đường rải nhựa, ấp thôn có sinh hoạt văn hóa như thế rất tốt. Nhưng đây mới chỉ là kết quả bước đầu thôi. Chúng ta vừa làm phải vừa thiết kế, với sự hỗ trợ của nhà nước, vai trò của nông dân, bà con hỗ trợ rất nhiều, đóng góp đất đai, công sức, tiền để xây dựng.


Trên thực tế, việc triển khai chương trình từ 11 xã điểm xây dựng nông thôn mới đã cho thấy, địa phương nào huy động được toàn bộ hệ thống chính trị các cấp, các ngành, các đoàn thể, doanh nghiệp cùng vào cuộc với sự nỗ lực, tự giác của người dân, thì diện mạo nông thôn mới ở địa phương đó có nhiều thay đổi. Vì vậy, đây chính là yếu tố cần phát huy mạnh mẽ trong quá trình triển khai thực hiện thời gian tới. Ông Đặng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh nêu ý kiến: Đảng, đoàn thể, chính quyền, tất cả phải vận động nhân dân. Phải làm cho nhân dân nhận thức rằng không có vai trò chủ thể của mình thì không thể thành công được xây dựng nông thôn mới. Và chính nhận thức như vậy thì cán bộ gương mẫu từ xã đến thôn, xóm thậm chí đến cán bộ cộng đồng cũng phải gương mẫu. Tôi cho rằng thành công của nông thôn mới thì vai trò của cán bộ cộng đồng thực sự là phải trách nhiệm với người dân thì lúc đó người dân mới thấy mình tâm huyết, lúc đó người dân mới cùng vào cuộc.


Trong năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu phấn đấu trên 90% số xã có quy hoạch chung, hơn 90% xã có đề án nông thôn mới được phê duyệt; khoảng 50% cán bộ nông thôn mới ở cấp xã được bồi dưỡng tập huấn kiến thức về xây dựng nông thôn; đẩy mạnh một bước phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập, phát triển giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường, hạ tầng nông thôn; phấn đấu xóa cơ bản nhà tạm, nhà dột nát; ưu tiên hỗ trợ 20% số xã đã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015.

Từ nay đến năm 2020, gần 10.000 xã trong cả nước cùng tập trung  xây dựng và phát triển nông thôn trong thời kỳ mới. Từ những kết quả ban đầu ở 11 xã thực hiện thí điểm, cuộc vận động và phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được kỳ vọng sẽ tạo ra luồng sinh khí mới cho bộ mặt nông thôn Việt Nam./.


 

 

Phản hồi

Các tin/bài khác