(VOV5) - Việc Mỹ và Iran kiên quyết theo đuổi cách tiếp cận trái chiều nhau này phản ánh thực tế là lòng tin giữa các bên vẫn chưa được thiết lập.
Với sự thể hiện mối quan tâm ngày càng rõ ràng của chính quyền mới tại Mỹ, vấn đề hạt nhân Iran một lần nữa nổi lên trở thành tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế. Nhiều đánh giá cho rằng, khả năng cứu vãn thỏa thuận được ký năm 2015 đang đứng trước thời cơ mới với nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, thách thức cần phải vượt qua cũng vẫn còn rất lớn, đòi hỏi các bên liên quan cần nỗ lực nhiều hơn nữa.
Bên trong một cơ sở hạt nhân ở miền Nam Iran. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngày 8/3, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thông báo với các nước thành viên rằng Iran đã bắt đầu làm giàu urani ở tầng thứ 3 của các máy ly tâm tiên tiến IR-2m tại nhà máy hạt nhân ngầm ở Natanz. Đây là một dấu hiệu mới cho thấy Iran tiếp tục vi phạm thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) và còn được biết đến với tên gọi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Diễn biến này thêm một lần nữa phản ánh bản chất phức tạp của tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân Iran, cho dù nhiều tín hiệu tích cực liên quan đến vấn đề này đã liên tiếp xuất hiện thời gian gần đây.
Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế Rafael Mariano Grossi (phải) và Người phát ngôn Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Behrouz Kamalvandi tại cuộc gặp ở Tehran, Iran ngày 20/2/2021. Ảnh: AP |
Những tín hiệu tích cực
Trước thông báo của IAEA, xuất hiện nhiều tín hiệu lạc quan về khả năng mở ra cơ hội khôi phục và thực thi JCPOA. Trong đó, đáng chú ý nhất là các động thái từ chính quyền mới của Mỹ. Cụ thể, giới chức cấp cao Mỹ, trong đó có Tổng thống Joe Biden, nhiều lần khẳng định sẽ thúc đẩy thực thi JCPOA, đảo ngược chính sách rút Mỹ khỏi thỏa thuận này theo quyết định của Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump. Ngày 4/3 vừa qua, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố Washington chờ đợi sự sẵn sàng của Iran tham gia các cuộc đàm phán nhằm đạt được tiến bộ rõ ràng về các vấn đề trong chương trình hạt nhân của Teheran.
Trong khi đó, các bên liên quan khác như Liên minh châu Âu (EU), đứng đầu là Pháp và Đức, cũng liên tiếp hối thúc Iran và các bên còn lại tuân thủ và thực thi thỏa thuận. Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế có trụ sở tại Vienna (Áo) Mikhail Ulyanov ngày 7/3 cũng tuyên bố Moscow sẵn sàng hợp tác với Mỹ và các nước tham gia ký JCPOA, để khôi phục hoàn toàn thỏa thuận này.
Về phần mình, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 5/3 khẳng định Iran sẽ sớm đưa ra bản kế hoạch hành động “mang tính xây dựng” liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran. Tuyên bố của Ngoại trưởng Zarif được đưa ra sau khi các nguồn tin ngoại giao châu Âu tiết lộ Iran trong những ngày gần đây đã phát đi những tín hiệu tích cực đối với đề nghị tổ chức những cuộc đàm phán không chính thức về chương trình hạt nhân của Tehran.
Rõ ràng, việc khôi phục JCPOA, văn kiện từng được mệnh danh là “Thỏa thuận thế kỷ”, đang nhận được sự quan tâm của nhiều bên liên quan, mở ra hy vọng vấn đề sẽ tiếp tục được thúc đẩy một cách thực tế. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc triển vọng giải quyết vấn đề hạt nhân Iran đã thực sự trở nên rõ ràng, vì vẫn còn đó những trở ngại và thách thức nghiêm trọng.
Trở ngại và thách thức
Theo giới phân tích, rào cản lớn nhất để khôi phục JCPOA cũng như thúc đẩy thực thi thỏa thuận này là việc giải “bài toán muôn thủa”: thỏa mãn điều kiện của các bên liên quan. Cho đến nay, cả Mỹ và Iran đều chưa thay đổi lập trường bấy lâu nay của mình trong vấn đề này. Cụ thể, Mỹ vẫn theo đuổi cách tiếp cận là Iran phải tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận trước, rồi mới xem xét dỡ bỏ cấm vận. Quan điểm này đã được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tái khẳng định ngày 4/3 vừa qua với tuyên bố rằng Washington sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt nếu Tehran thực sự tuân thủ cam kết trong thỏa thuận.
Ngược lại, Iran cương quyết bảo vệ quan điểm là các lệnh trừng phạt phải được dỡ bỏ trước khi đàm phán được tiến hành. Mới nhất, trong một tuyên bố hôm 8/3, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định Iran sẽ khôi phục các biện pháp mà nước này đã thông qua nhằm giảm các nghĩa vụ trong thỏa thuận, nếu phía Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống Iran một cách “có hiệu quả”.
Việc Mỹ và Iran kiên quyết theo đuổi cách tiếp cận trái chiều nhau này phản ánh thực tế là lòng tin giữa các bên vẫn chưa được thiết lập. Điều này đòi hỏi tất cả các bên phải nỗ lực bằng nhiều hành động thiện chí thực tế hơn nữa mới có thể hy vọng đưa thỏa thuận JCPOA trở lại đúng quỹ đạo cần có.