(VOV5) - Lệnh trừng phạt kinh tế mới của Mỹ áp dụng với Iran được Tổng thống Donald Trump ký cùng ngày với lệnh trừng phạt Nga và CHDCND Triều Tiên.
Quan hệ Mỹ - Iran đang đứng trước sóng gió mới sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng sức ép đối với quốc gia Trung Đông này bằng nhiều biện pháp mà mới nhất là ký lệnh trừng phạt kinh tế ngày 2/8. Ông Trump nhấn mạnh luật trừng phạt tăng cường này nhằm gửi thông điệp tới Iran rằng người Mỹ sẽ không dung túng hành vi nguy hiểm và gây bất ổn của Iran. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, đích đến cuối cùng của những động thái này là nhằm phá vỡ thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với nhóm P5 +1 (Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh, Đức và Mỹ) năm 2015.
Ảnh minh họa: Quang cảnh nhà máy hạt nhân |
Lệnh trừng phạt kinh tế mới của Mỹ áp dụng với Iran được Tổng thống Donald Trump ký cùng ngày với lệnh trừng phạt Nga và CHDCND Triều Tiên. Theo giới chức Mỹ, những biện pháp trừng phạt kinh tế mới này để trả đũa việc Tehran phát triển chương trình tên lửa đạn đạo và gây căng thẳng trong khu vực. Động thái này được đưa ra sau khi Mỹ cảnh báo Iran không tuân thủ tinh thần hiệp định hạt nhân được ký kết giữa Iran với 6 nước (Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh, Đức và Mỹ, gọi là P5+1).
Gia tăng sức ép với Iran từ giới chức Mỹ
Lệnh trừng phạt kinh tế vừa được ký ban hành nhắm tới các thực thể và cá nhân ủng hộ cái được gọi là "những nhân tố Iran bất hợp pháp hoặc hoạt động tội phạm xuyên quốc gia." Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng chỉ rõ 2 tổ chức Iran liên quan tới chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran.
Trước khi ký lệnh trừng phạt tăng cường, Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng Iran vẫn là "một trong những mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với các lợi ích của Mỹ cũng như sự ổn định của khu vực.". Những hành động của Iran làm xói mòn nghiêm trọng Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), do đó Iran không có tinh thần JCPOA. Thậm chí, tháng 7/2017, Tổng thống Donald Trump đã chỉ thị cho cố vấn Nhà trắng đưa ra những lập luận cho việc chấm dứt thỏa thuận hạt nhân với Iran vào tháng 10 tới. Chính quyền Trump cũng xem xét đẩy mạnh hoạt động thanh sát các cơ sở quân sự của Iran mà họ cho rằng đáng nghi ngờ, một động thái đã bị phía Iran bác bỏ và coi là mang tính kích động. Cũng trong tháng 7, Mỹ đã áp lệnh trừng phạt lên 18 cá nhân và tổ chức được cho hỗ trợ chương trình tên lửa đạn đạo của Iran. Vào thời điểm đó, Bộ Ngoại giao Mỹ lấy lý do rằng Iran hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Ảnh minh họa: Cuộc họp đánh giá về thỏa thuận hạt nhân ở Vienna (Áo). Ảnh: AFP/TTXVN |
Về phía giới phân tích, họ cho rằng các động thái của Mỹ dường như nhằm khiêu khích để Iran trở thành bên phá hỏng thỏa thuận hạt nhân và Mỹ sẽ chớp thời cơ chiếm thế thượng phong trong vấn đề này. Thậm chí có không ít ý kiến khẳng định động thái của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể gây ra một cuộc khủng hoảng mới. Chấm dứt thỏa thuận hạt nhân với Iran có thể khiến Tehran tin rằng năng lực hạt nhân là chìa khóa giúp đảm bảo an ninh. Nếu vậy có thể sẽ làm xuất hiện cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm ở Trung Đông, với sự tham gia của các nước như Saudi Arabia hay Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), những nước vốn đang tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân của riêng họ.
Phản ứng thận trọng từ Iran
3 ngày sau khi Tổng thống Mỹ ký lệnh trừng phạt tăng cường với Iran, ngày 5/8, Tổng thống Iran Rohani đã có cuộc gặp với Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU), Federica Mogherini, kêu gọi những nỗ lực hơn nữa nhằm duy trì thỏa thuận hạt nhân đạt được vào năm 2015, sau những lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Tehran. Ông Rouhani khẳng định: Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ không là bên đầu tiên vi phạm thỏa thuận hạt nhân nhưng sẽ không im lặng nếu Mỹ không tôn trọng các cam kết của mình. Iran sẽ đáp trả các lệnh trừng phạt bằng những hành động thích đáng và tương ứng. Iran cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, đặc biệt nhằm vào chương trình đạn đạo của Tehran và lực lượng Vệ binh Cách mạng, vi phạm các thỏa thuận hạt nhân vì nó ngăn chặn Tehran bình thường hóa quan hệ kinh tế với phần còn lại của thế giới và ảnh hưởng xấu tới đầu tư nước ngoài.
Trong một phản ứng ôn hòa, ngày 8/8, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cho biết một trong số các ưu tiên chính sách ngoại giao của Tehran là tìm cách làm giảm căng thẳng với Washington và Iran muốn hòa bình giữa các quốc gia. Đề cập đến Kế hoạch chung toàn diện (JCPOA), ông Zarif cho rằng Washington không thể ngăn chặn Tehran có được lợi ích từ thỏa thuận này. Bộ Ngoại giao Iran cam kết bảo vệ các lợi ích mà nước này có được từ JCPOA, đồng thời nêu rõ chính bản thân Mỹ sẽ trả giá vì khả năng Washington chấm dứt thỏa thuận này.
Động thái của Iran được cho là khôn khéo trong bối cảnh hiện nay. Theo dư luận Trung Đông, đằng sau những biện pháp trừng phạt của Mỹ là chiến dịch tẩy chay và Mỹ đang tìm cách thay đổi chính quyền Iran từ bên trong.
Quan hệ giữa Mỹ và Iran căng thẳng kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức hồi tháng 1 vừa qua. Ông Trump từng chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận hạt nhân với giữa Iran và nhóm P5+1, một di sản đối ngoại nổi bật của chính quyền tiền nhiệm Barack Obama. Với việc ban hành thêm lệnh trừng phạt Iran, chính quyền Mỹ không chỉ gây khó khăn cho quốc gia Trung Đông này mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực tới thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1.