(VOV5) – Ngày 21/3, Iran bước vào ngày đầu tiên của năm mới (theo lịch Ba Tư). Với người dân ở quốc gia Hồi giáo này, sự kỳ vọng thì có nhiều, nhưng trên hết vẫn là khát vọng cho một nền hòa bình, ổn định thực sự. Thế nhưng, trước thềm xuân này, không có hoa hồng, không có cành ôliu, mà ngược lại là những tuyên bố cứng rắn nhằm bao vây, siết chặt hơn nữa Iran liên quan đến cuộc khủng hoảng hạt nhân ở nước này.
Trong chuyến công du đầu tiên tới Trung Đông trên cương vị Tổng thống từ năm 2009, ngày 20/3, tại một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tái khẳng định cam kết của Mỹ tăng cường hợp tác với nhà nước Do Thái nhằm ngăn chặn Iran chế tạo vũ khí hạt nhân. Thậm chí, nhà lãnh đạo này còn tuyên bố mối quan hệ Washington-Tel Aviv là vĩnh cửu. Trong khi đó, ông B. Netanyahu cũng cho biết Tel Aviv có thể sẽ buộc phải sử dụng vũ lực, trong trường hợp cần thiết, để buộc Iran từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Thực tế, tuyên bố này của Washington và Tel Aviv không nằm ngoài dự liệu của các nhà quan sát. Bởi trước đó, chính quyền Israel liên tục phát đi nhiều tín hiệu cảnh báo quốc gia Hồi giáo Iran. Còn nhớ, hồi trung tuần tháng 3/2013, từ Jerusalem, ông B. Netanyahu đã gửi đi 1 thông điệp rõ ràng rằng chỉ có các đòn trừng phạt sẽ không đủ để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Iran, do vậy Israel luôn sẵn sàng với kế hoạch không kích phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Còn Bộ trưởng Quốc phòng nước này Ehud Barak xác định, chương trình hạt nhân của Iran là thách thức lớn nhất đối với Israel, do vậy mọi lựa chọn vẫn đang bỏ ngỏ. Trong khi đó, trước thềm chuyến thăm Trung Đông của Tổng thống B. Obama, hồi đầu tháng 3 này, cả Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Ngoại trưởng John Kerry đều một lần nữa lên tiếng cảnh báo Iran về thời hạn cho các giải pháp ngoại giao đối với vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của quốc gia Hồi giáo này. Quan điểm của Washington là việc ngăn chặn Iran chế tạo một quả bom hạt nhân nằm trong lợi ích an ninh của Mỹ và toàn cầu vì nếu không ngăn chặn thì việc đó sẽ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm.
Lời cảnh báo của giới chức Mỹ đưa ra cùng thời điểm diễn ra cuộc đàm phán cấp chuyên viên giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Đức) về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran, ngày 18/3 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), rõ ràng đã tạo sức ép trên nhiều phương diện lên tiến trình đàm phán. Mặc dù cuộc họp kín đã đạt được tiến triển nhất định, bằng việc yêu cầu Iran tạm ngừng chương trình làm giàu urani ở mức 20%, thay vì yêu cầu chấm dứt hoàn toàn như trước đây, cùng với sự thừa nhận của IAEA rằng chương trình hạt nhân của Tehran chỉ vì mục đích hòa bình, thế nhưng, điều đó vẫn chưa thỏa mãn yêu cầu của Mỹ. Washington vẫn lớn tiếng cho rằng, chương trình hạt nhân của Iran đã chạm "giới hạn đỏ" và nếu quốc gia Hồi giáo này không nhượng bộ sẽ còn những đòn trừng phạt hơn nữa. Thậm chí, Mỹ còn dọa sẽ trừng phạt Pakistan sau khi quốc gia Nam Á này xúc tiến dự án xây dựng đường ống khí đốt với Iran. Vì Iran và Pakistan đã khởi công dự án xây dựng đường ống dẫn khí trị giá 7,5 tỷ USD ở thành phố Chabahar, đông nam Iran... Trước đó, EU cũng siết chặt trừng phạt Iran khi đưa thêm 9 quan chức Iran vào "danh sách đen" những người bị cấm cấp thị thực và phong tỏa tài sản. Như vậy, hiện có tổng cộng 490 công ty và 105 cá nhân của Iran bị liệt vào danh sách bị cấm cấp thị thực và bị phong tỏa tài sản, bị hạn chế buôn bán, giao dịch tài chính và bị cấm vận dầu mỏ.
Rõ ràng, trên nhiều phương diện, từ ngoại giao, kinh tế đến quân sự, Iran đang chịu sự cô lập nặng nề. Mặc dù, lâu nay, trong các cuộc đàm phán cũng như bày tỏ quan điểm về chương trình hạt nhân của mình, Tehran đã nhiều lần khẳng định Tehran sẵn sàng giải tỏa các quan ngại của IAEA sau khi đạt được một thỏa thuận, thế nhưng điều đó chưa làm hài lòng các quan chức Mỹ và phương Tây. Hạ bệ chế độ của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad nhằm tạo sự bền vững cho đồng minh chiến lược là Israel tại khu vực Trung Đông, cùng với đó là gây dựng ảnh hưởng mạnh mẽ cho khu vực nhiều tài nguyên này, luôn là điều mà Nhà Trắng hướng đến. Bởi vậy, giữa hai bên chắc chắn không thể tạo dựng được lòng tin thì kết quả cuộc đàm phán bấy lâu nay lâm vào bế tắc cũng là điều dễ hiểu.
Năm mới đến với người dân Iran cùng với những dự báo không an lành. Nền kinh tế Iran đang đối mặt với khó khăn chồng chất. Lạm phát trên 20%, phần lớn hệ thống ngân hàng bị đóng băng bởi các lệnh trừng phạt, tỷ lệ thất nghiệp cao. Xuất khẩu dầu thô, vốn chiếm 3/4 tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia, ước tính đã giảm xuống dưới 1 triệu thùng/ngày, so với 2,2 triệu thùng/ngày trước đây và tính riêng trong năm 2012, Iran đã thiệt hại hơn 40 tỷ USD. Bối cảnh tình hình đó, cùng với những thông điệp cứng rắn của Mỹ, phương Tây và nước láng giềng Israel không khiến cho người dân nước này hy vọng phép màu nhiệm nào có thể xuất hiện trong tương lai gần./.