Thông qua Dự luật nhân quyền Việt Nam là việc làm sai trái

(VOV5) - Uỷ ban đối ngoại của Hạ viện Hoa kỳ vừa thông qua cái gọi là “Dự luật Nhân quyền VN HR 1897”. Việc dự luật này gắn vấn đề nhân quyền với các khoản viện trợ phi nhân đạo dành cho Việt nam và yêu cầu chính phủ Mỹ có thái độ cứng rắn hơn đối với Việt Nam trong vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo đã khiến dư luận quốc tế và Việt Nam bất bình.

Dự luật Nhân quyền Việt Nam HR 1897 do hai nghị sỹ đảng Cộng hoà là Ed Royce và Chris Smith khởi xướng với niềm tin áp đặt rằng dự luật sẽ giúp cải thiện tình hình nhân quyền Việt Nam, thúc đẩy Việt Nam tôn trọng tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận và các quyền dân chủ. Họ đưa ra các lý lẽ rằng “Việt Nam đang có những vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền”, "Việt Nam tiếp tục là một trong các nước vi phạm nhiều nhất về tự do tôn giáo trên thế giới". Được biết, các nghị sỹ này chưa từng đến Việt Nam. Để lấy thông tin nhào nặn, xây dựng Dự luật HR 1897, họ tổ chức các phiên điều trần với các nhân chứng người Việt, trong đó có nhiều người từng vi phạm pháp luật Việt nam, rồi đưa ra các cáo buộc Việt Nam là một trong các nước vi phạm nhiều nhất về tự do tôn giáo trên thế giới. Người Việt Nam có câu chuyện “thầy bói xem voi”, áp dụng trong trường hợp này thật đúng. Chỉ qua một vài trường hợp cá biệt, không điển hình, các nghị sỹ Mỹ đưa ra những cáo buộc về tự do tôn giáo, tự do nhân quyền Việt Nam, rõ ràng là họ đã vẽ lên một bức tranh phiến diện, không đúng thực tế về nhân quyền Việt Nam. Các nghị sỹ này giống như ông thầy bói mù, chỉ thấy một phần cơ thể của con voi mà dám “phán” về cả con voi. Như vậy, những thông tin trong Dự luật Nhân quyền Việt Nam HR 1897 của họ, không phải là những thông tin đầy đủ, sát thực nhất về tự do nhân quyền của Việt Nam, nếu không muốn nói là đã xuyên tạc thực tế nhân quyền Việt Nam.


Thông qua Dự luật nhân quyền Việt Nam là việc làm sai trái - ảnh 1
Ngay sau khi dự luật H.R.1897 được Ủy ban Đối ngoại Hạ viện thông qua, Hạ nghị sĩ Eni Faleomavaega, thành viên Tiểu ban đối ngoại Hạ viện Mỹ phụ trách châu Á-Thái Bình Dương đã ra thông cáo báo chí phản đối quyết định trên.

Khi nói Việt Nam thiếu tự do nhân quyền, nghị sỹ Ed Royce và Chris Smith, những người lâu nay vốn thiếu công tâm đối với vấn đề nhân quyền Việt Nam, hẳn cố tình quên đi thực tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo đảm quyền con người trên mọi lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Khi nói Việt Nam thiếu tự do tôn giáo, nghị sỹ Chris Smith chắc cố tình không nhớ rằng kể từ năm 2006, Bộ Ngoại giao Hoa kỳ đã đưa Việt nam ra khỏi danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo. Báo cáo mới nhất về tự do tôn giáo thế giới của Bộ ngoại giao Hoa kỳ hôm 20/5/2013 cũng không đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách này. Nghị sỹ Smith nói rằng Việt Nam “kiểm soát mọi nhóm tôn giáo, hạn chế và trừng phạt gắt gao những hoạt động tín ngưỡng độc lập” mà không thấy rằng tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam có tới gần 20 triệu tín đồ các tôn giáo với 56.125 chức sắc và nhà tu hành, chưa kể hàng vạn người hoạt động bán chuyên nghiệp trong các tôn giáo. Tính chung cả nước, Phật giáo có 14.043 ngôi chùa, tịnh thất, tịnh xá, niệm Phật đường; Thiên chúa giáo có 6.003 nhà thờ, nhà nguyện; Tin lành có gần 500 nhà thờ, nhà nguyện; Cao Đài có 1.284 thánh thất; Phật giáo Hòa Hảo có 522 chùa, hội quán; Hồi giáo có 77 thánh đường…Thiết nghĩ, những con số này nói về tự do tôn giáo ở Việt nam hay hơn những thông tin mà nghị sỹ Chris Smith đề cập.

Dự luật nhân quyền Việt Nam HR 1897 với những thông tin xuyên tạc tình hình nhân quyền, tôn giáo Việt nam, gắn vấn đề nhân quyền với viện trợ phi nhân đạo cho Việt Nam và yêu cầu Chính phủ Mỹ đặt điều kiện về nhân quyền trong quá trình đàm phán về việc Việt Nam gia nhập Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khiến dư luận bất bình. Ngay trong lòng nước Mỹ, nghị sỹ Eni Faleomavaega, thành viên Tiểu ban đối ngoại Hạ viện Mỹ phụ trách châu Á-Thái Bình Dương đã ra thông cáo báo chí phản đối ngay sau khi dự luật HR 1897 được Ủy ban Đối ngoại Hạ viện thông qua. Với cách nhìn đa chiều, nghị sỹ Faleomavaega nêu rõ Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2013 không phản ánh trung thực tình hình Việt Nam và bị ảnh hưởng bởi một số người Mỹ gốc Việt thiếu thiện chí với Chính phủ Việt Nam. Nghị sỹ Faleomavaega, cựu binh từng tham chiến tại Việt Nam, cho rằng mưu toan lật đổ chính quyền và đưa ra thông tin sai lệch về tình hình nhân quyền Việt Nam không phải là cách làm đúng đắn. Theo ông, đã đến lúc cần gác bỏ quá khứ và bắt đầu quá trình hàn gắn vết thương chiến tranh giữa người Mỹ và người Việt.  

Có một thực tế là các nhà lãnh đạo Việt Nam và Hoa kỳ đã và đang làm hết sức mình để đẩy mạnh quan hệ Mỹ-Việt và thúc đẩy hiểu biết nhân quyền giữa hai nước. Đến nay, cơ chế đối thoại nhân quyền giữa Việt Nam và Mỹ được tiến hành thường xuyên và có hiệu quả. Cả hai nước đã và đang hợp tác không ngừng trong các hoạt động nhân đạo, trợ giúp nạn nhân da cam/ dioxin của Việt Nam và tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt nam. Như vậy, việc Uỷ ban Đối ngoại của Hạ viện Hoa kỳ thông qua Dự luật Nhân quyền Việt nam HR 1897 rõ ràng là không giúp ích gì cho tiến trình đẩy mạnh quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Việc làm sai trái, đi ngược lại dòng chảy chính trong quan hệ Việt nam- Hoa kỳ này sẽ chỉ là hành động vô nghĩa mà thôi./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác