Thúc đẩy các giá trị quyền con người trên phạm vi toàn thế giới

(VOV5) - Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất và lần đầu tiên trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

Như tin đã đưa, ngày 12/11, tại cuộc bỏ phiếu bầu 14 nước thành viên mới của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016, Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất và lần đầu tiên trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Nhân sự kiện quan trọng này, Biên tập viên Đài TNVN trích dẫn giới thiệu nội dung trả lời phỏng vấn Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với nhan đề “Thúc đẩy các giá trị quyền con người trên phạm vi toàn cầu” .



Quyền con người, hoạt động bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, là một trong những trụ cột hoạt động quan trọng của Liên Hợp Quốc. Chính vì vậy, Hội đồng nhân quyền là một trong những cơ quan, có thể được xem là quan trọng nhất của Tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh.


Xuất phát từ chính sách nhất quán là bảo vệ và phát huy quyền con người

Khi một quốc gia quyết định ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trước hết thể hiện đường lối, chính sách của nước đó đối với vấn đề thúc đẩy, bảo vệ nhân quyền, nhưng cũng đồng thời thể hiện chính sách đối ngoại của các nước. Quyết định của Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 xuất phát từ chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và tôn trọng, phát huy quyền con người, đồng thời cũng nhằm triển khai một cách cụ thể đường lối đối ngoại là chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Thúc đẩy các giá trị quyền con người trên phạm vi toàn thế giới - ảnh 1

Xuất phát từ chính sách nhất quán và đường lối đối ngoại như vậy, Việt Nam đã có cả một quá trình chuẩn bị ứng cử từ rất sớm. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, để vào nhóm các nước ứng cử ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong Hội đồng nhân quyền là cả một quá trình nỗ lực của Việt Nam. Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết: Rất nhiều ứng cử nhưng chỉ có 4 ghế cho thành viên Hội đồng nhân quyền ở mỗi khu vực. Điều đó thể hiện tính chất rất quan trọng của Hội đồng nhân quyền. Và chúng ta đã trúng cử với số phiếu rất cao. Điều đó thể hiện, trước tiên là các nước ghi nhận những thành quả, thành tựu của Việt Nam trong vấn đề thúc đẩy, bảo vệ quyền con người tại Việt Nam, thể hiện những thành công của chúng ta trong quá trình đổi mới. Thứ hai, đó là các nước cũng ghi nhận vai trò, đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên thế giới.

Nhìn vào những thành tựu của Việt Nam trong vấn đề thúc đẩy, bảo vệ quyền con người tại Việt Nam, mới thấy việc 184/193 quốc gia ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc là một kết quả không bất ngờ. Việt Nam đã xây dựng một nhà nước pháp quyền, đưa quyền con người vào Hiến pháp và những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ được Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao. Đó là những minh chứng rõ ràng Việt Nam là một nước có trách nhiệm trong vấn đề thúc đẩy, bảo vệ quyền con người. Ngoài ra, những đóng góp của Việt Nam trên các diễn đàn khu vực và quốc tế trong suốt thời gian qua đã tạo ra sự tin cậy trong cộng đồng quốc tế, tin tưởng Việt Nam có những đóng góp lớn hơn trong việc giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu. Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định:
Việt Nam có những đóng góp rất tích cực vào Liên hợp quốc và các hoạt động của Liên hợp quốc mà thể hiện chúng ta đã thành công trong nhiệm kỳ là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Việt Nam cũng có nhiều đóng góp trong các hoạt động trong khuôn khổ của các Diễn đàn khu vực. Ví dụ như vai trò của Việt Nam trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn châu Á - châu Âu (ASEM) và Diễn đàn châu Á-Thái Bình Dương (APEC).


Bảo vệ và thúc đẩy các giá trị quyền con người trên phạm vi toàn cầu

Trong nhiệm kỳ 3 năm sắp tới làm thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam sẽ có cơ hội đóng góp trực tiếp một cách xây dựng và trách nhiệm vào công cuộc bảo vệ và thúc đẩy các giá trị quyền con người trên phạm vi toàn thế giới, cũng như có điều kiện chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm tốt từ bạn bè quốc tế nhằm đảm bảo sự thụ hưởng ngày càng tốt hơn các quyền của mỗi người dân Việt Nam. Về những phương hướng hoạt động sắp tới trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Là thành viên của Hội đồng nhân quyền, chúng ta sẽ có điều kiện đóng góp vào việc xây dựng, hoàn chỉnh những cơ chế, thể chế của Liên hợp quốc trong lĩnh vực bảo vệ, thúc đẩy nhân quyền. Với tiếng nói là một nước đang phát triển, Việt Nam sẽ đóng góp để Hội đồng nhân quyền hoạt động một cách hiệu quả, phi chính trị hoá và công bằng. Cũng qua hoạt động của Hội đồng nhân quyền, chúng ta cũng học tập, học hỏi những kinh nghiệm của thế giới đối với việc thúc đẩy, bảo vệ nhân quyền để chúng ta làm tốt hơn trong lĩnh vực thúc đẩy, bảo vệ quyền con người.


Theo kế hoạch, Việt Nam chính thức có các hoạt động đầu tiên trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc với tư cách một thành viên kể từ 1/1/2014. Với những kết quả trong suốt 36 năm là thành viên tích cực của Tổ chức Liên Hợp Quốc, đặc biệt là những kinh nghiệm đã có khi làm thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam chắc chắn sẽ hoàn thành tốt vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016, góp phần thúc đẩy các giá trị quyền con người trên phạm vi toàn cầu”./.


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác