(VOV5) - Đến nay, mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam đã phát triển 8 mạng lưới thành phần tại Đức, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu và 2 mạng lưới tại Mỹ.
Trong buổi làm việc với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cuối tuần qua, (ngày 4/3), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải xây dựng cơ chế chính sách để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Theo đó, một loạt nhiệm vụ được Thủ tướng giao cho các bộ, ngành nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất để phát huy tiềm năng đổi mới sáng tạo của Việt Nam, từ đó hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước dựa trên khoa học công nghệ.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”; phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: VOV |
Cơ bản hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
Theo Bộ kế hoạch và đầu tư, sau hơn 3 năm đi vào hoạt động (2019 – 2023), Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã cơ bản hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với 3 trụ cột chính: Nhà nước - Viện trường - Doanh nghiệp. Trong đó có nhiều đối tác lớn là các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới và trong nước; các trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của các nước cùng gần 200 quỹ đầu tư trong nước, quốc tế và gần 1.600 chuyên gia, trí thức người Việt trên thế giới. Đến nay, Trung tâm trở thành đơn vị tiên phong nghiên cứu, đề xuất các cơ chế hợp tác, các mô hình ươm tạo, hỗ trợ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Ngoài ra, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cũng đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực về đổi mới sáng tạo tại các viện-trường, địa phương, phối hợp liên kết các đại học quốc tế lớn cung cấp các khóa đào tạo về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thương mại hóa nghiên cứu công nghệ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe giới thiệu về các đơn vị nghiên cứu, sản xuất trong Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC). Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Trung tâm cũng phối hợp với đối tác Google tổ chức chương trình “Nhân tài” số với hàng chục nghìn sinh viên Việt Nam tham gia; phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) triển khai các hoạt động phát triển nguồn nhân lực; phối hợp với Tổ chức STEAM for Vietnam (thúc đẩy các hoạt động liên quan tới giáo dục STEAM: Science - Khoa học, Technology - Công nghệ, Engineering - Kỹ thuật, Arts - Nghệ thuật, Math - Toán học) tổ chức đào tạo hơn 20.000 học sinh tiểu học, trung học cơ sở về lập trình máy tính và STEM; đồng thời tổ chức cuộc thi Robotics cho sinh viên; xây dựng hệ thống quản trị đào tạo trực tuyến.
Đến nay, mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam đã phát triển 8 mạng lưới thành phần tại Đức, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu và 2 mạng lưới tại Mỹ. Đây là nguồn lực trí thức rất lớn, sẵn sàng tham gia, đóng góp vào các hoạt động, dự án công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Với những kết quả đạt được, Việt Nam đang từng bước cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XIII, trong lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ. Để đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam xác định phải có chính sách để hội tụ trí tuệ, và phải có cơ chế ưu tiên về nguồn lực… trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
Về xây dựng cơ chế chính sách, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan xây dựng văn bản, tạo khuôn khổ pháp lý để xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; vườn ươm sáng tạo. Đặc biệt, các bên liên quan tiến hành nghiên cứu xây dựng quỹ đổi mới sáng tạo để thúc đẩy, khuyến khích đổi mới sáng tạo; hoàn thiện mô hình Trung tâm đổi mới sáng tạo phù hợp với điều kiện Việt Nam. Song song với đó là việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cho hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; xây dựng kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, phát triển trí tuệ nhân tạo.
Thủ tướng mong muốn Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam phải "hội tụ trí tuệ và lan toả lợi ích đổi mới sáng tạo Việt Nam", trở thành nơi hội tụ trí tuệ trên khắp thế giới, không kể biên giới, khoảng cách, tuổi tác, từ đó, tạo ra nguồn lực để tiếp tục lan toả lợi ích, giá trị cho toàn xã hội. Nhà nước sẵn sàng dành nguồn lực bởi đầu tư cho đổi mới sáng tạo là đầu tư cho phát triển.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Công an, các cơ quan khác khai thác tốt cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác. Cùng với đó, hoàn thiện mô hình Trung tâm Đổi mới sáng tạo để có thể kết hợp các hoạt động của hệ sinh thái, số hóa việc điều khiển vận hành của Trung tâm; số hóa tương tác giữa hệ sinh thái trong và ngoài nước với Trung tâm…
Trong thời đại số hóa hiện nay, đổi mới sáng tạo có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển cũng như năng lực cạnh tranh của từng quốc gia. Việc tạo môi trường thuận lợi, đầu tư thỏa đáng để phát huy tiền năng đổi mới sáng tạo sẽ giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước dựa trên khoa học công nghệ.