Chính phủ Việt Nam mong muốn đến năm 2025, nền kinh tế số sẽ đóng góp 20% vào tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và đặt mục tiêu lọt vào top 50 quốc gia về Chỉ số phát triển CNTT-TT của Liên hợp quốc.
Để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ các đối tác nước ngoài trong chuyển đổi số. Ericsson, tập đoàn đa quốc gia của Thụy Điển, hoạt động tại Việt Nam hơn 30 năm và đang hỗ trợ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Về nội dung này, PV Đài TNVN phỏng vấn ông Denis Brunetti, Tổng Giám đốc điều hành Ericsson tại Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào về những gì mà Ericsson đang hỗ trợ Việt Nam trong phát triển giải pháp công nghệ 5G.
Ông Denis Brunetti, Tổng giám đốc Ericsson tại Việt Nam, Lào, Campuchia và BTV Bảo Trâm tại phòng thu VOV5. |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Là một trong những đối tác của Việt Nam kể từ những năm 90 của thế kỷ trước, ông đánh giá như thế nào về chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam và Ericsson đã tham gia vào quá trình này như thế nào?
Denis Brunetti: Vâng, có thể trích dẫn câu nói của Thủ tướng Anh Winston Churchill “Càng nhìn sâu vào quá khứ, chúng ta càng thấy rõ tương lai”. Nhớ lại, cách đây 30 năm (năm 1993), thời điểm Ericsson khai trương văn phòng tại Việt Nam, khi đó Việt Nam thật sự có rất ít mạng viễn thông di động. Và, Ericsson đã triển khai xây hạ tầng mạng 2G đầu tiên tại Việt Nam cho MobiFone và Vinaphone cũng như một số nhà cung cấp dịch vụ viễn thông khác.
Ông Denis Brunetti, Tổng Giám đốc điều hành Ericsson
tại Việt Nam, Myanmar, Campuchia. Ảnh BT |
Có thể nói, giải pháp công nghệ 2G là hình thức chuyển đổi kỹ thuật số đầu tiên tại Việt Nam. Vì 2G hay GSM là nền tảng thông tin di động số nên về cơ bản nó giúp kết nối trên khắp Việt Nam. Lần đầu tiên, người dân ở mọi miền đất nước từ các vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số miền núi, các khu vực thành thị tất cả đều có thể kết nối không dây một cách liền mạch. Tôi tin rằng, mạng không dây đã thực sự góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam trong hơn 30 năm qua. Và kể từ đó, chúng ta cũng chứng kiến ngày một nhiều dòng vốn đầu tư về công nghệ cao đổ vào Việt Nam. Sau này, như bạn thấy đó với sự xuất hiện của 4G (công nghệ di động thế hệ thứ 4) những ứng dụng người dùng đã xuất hiện ngày càng nhiều trên iPhone và các thiết bị Samsung khác.
Chúng tôi thấy rằng, những ứng dụng đó đều hữu ích cho cả chính phủ, xã hội dân sự cũng như các ngành công nghiệp, sản xuất. Có thể nói, công nghệ truyền thông số giúp mọi thứ vận hành hiệu quả hơn. Hiện nay, chúng tôi đang tham gia vào dự án thí điểm thương mại hóa 5G cùng với các nhà mạng hàng đầu Việt Nam. Chúng tôi hi vọng việc triển khai hàng loạt sẽ diễn ra sẽ diễn ra từ năm 2024 trở đi.
PV: Ông vừa nói đến công nghệ di động thế hệ thứ 5 và việc thí điểm thương mại hóa mạng 5G ở Việt Nam. Và Chính phủ Việt Nam cũng đang triển khai kế hoạch tăng cường đầu tư vào hạ tầng 5G để thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Vậy, với kinh nghiệm của mình, Ericsson có thể làm gì để hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình này, thưa ông?
Denis Brunetti: Cụ thể, những gì chúng tôi vẫn đang làm là xây dựng nền tảng. Như bạn biết đấy, công cuộc chuyển đổi kỹ thuật số đòi hỏi có một nền tảng vật chất như cầu, đường hầm, sân bay, cảng biển và đường xá. Đó là những cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng đối với bất cứ một quốc gia nào trong phát triển kinh tế xã hội. Ngày nay mọi thứ ngày càng trở nên hiện đại, khi mà dữ liệu lớn được coi là nguồn dầu mỏ mới. Sự tăng trưởng GDP muốn bền vững và toàn diện đòi hỏi những ứng dụng kỹ thuật số trong nền kinh tế số. Và, chúng ta phải cần đến 5G như một trong những cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia. Đó phải là hạ tầng số hơn là hạ tầng vật chất.
Một hệ thống thiết bị 5G do doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Ảnh Lưu Quý |
Vì vậy, Ericsson đang cùng với các nhà khai thác mạng di động tại Việt Nam như Vinaphone, Viettel, Mobifone, Vietnam Mobile và tất nhiên cả Gtel, chúng tôi đang cùng xây dựng mạng 5G, như đã từng thực hiện đối với các thế hệ 2G và 3G-4G tại Việt Nam.
Từ hạ tầng 4G hiện nay hoàn toàn có thể được nâng cấp lên 5G một cách liền mạch, và tiết kiệm chi phí. Tôi muốn sử dụng 2 thuật ngữ là mạng 5G SA và 5G NSA. Mạng 5G SA là mạng được xây dựng trên một cơ sở hạ tầng hoàn toàn mới và mạng 5G NSA là mạng dựa trên việc tận dụng, nâng cấp mạng 4G. Mạng 5G NSA đã giúp chúng tôi tiết kiệm được chi phí và có thể tận dụng được những gì đã đầu tư một cách hiệu quả. Vì thế, chúng tôi hy vọng Việt Nam có thể áp dụng mô hình tương tự như vậy bởi Ericsson đang đóng góp xây dựng nền tảng 4G hướng tới xây dựng mạng 5G trong tương lai sắp tới đây.
Ericsson được vinh danh một trong 10 "Nơi làm việc tuyệt vời nhất" tại Việt Nam trong năm 2022 do tổ chức toàn cầu về văn hóa nơi làm việc Great Place to Work Institute đánh giá. |
PV: Thưa ông, chính phủ Việt Nam sẽ triển khai thương mại hóa mạng 5G trong năm nay. Theo ông thì, động thái này sẽ có những ảnh hưởng hay tác động như thế nào đối với sự phát triển kinh tế, xã hội ở Việt nam?
Denis Brunetti: Ericsson 100% đồng tình với chiến lược đó của chính phủ Việt Nam và chúng tôi tin rằng nhờ vào công nghệ 4G và 5G, chính phủ Việt Nam sẽ có thể duy trì và đạt được một cách bền vững những mục tiêu đã đề ra vì sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam trong tương lai. Công nghệ sẽ tạo ra rất nhiều sự thay đổi cho sự phát triển mạnh mẽ kinh tế xã hội. Công nghệ 5G - cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng của quốc gia- sẽ hỗ trợ đắc lực cho tiến trình đổi mới khoa học sáng tạo, chuyển đổi số. Nếu như trước đây, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố đầu vào truyền thống như: nguồn nhân lực, lao động tay nghề thấp, đất đai rẻ và tài nguyên thiên nhiên. Đó đều là những tài nguyên hữu hạn, không phải là vô hạn. Như tôi nói, dữ liệu là nguồn tài nguyên vô hạn. Bạn càng sử dụng nhiều thì nó càng trở lên lớn- Big Data. Nếu như dầu mỏ càng sử dụng nhiều thì càng nhanh cạn kiệt. Còn dữ liệu thì khác. Đó chính là sự khác biệt.
Khi nền kinh tế số được triển khai thì với sự hỗ trợ kích hoạt của công cụ 5G này, tôi tin rằng, bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ được hưởng lợi rất nhiều cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Chúng tôi thấy rằng, chính phủ Việt Nam có một kế hoạch rất rõ ràng và hoài bão về công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030. Đó là một chiến lược nhất quán, xuyên suốt với sự thống nhất của toàn xã hôi. Đảng, Nhà nước và các doanh nghiệp trong và ngoài nước như Ericsson, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ.
PV: Bên cạnh cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực cũng là một yếu tố quan trọng cho Việt Nam triển khai tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Là một đối tác tin cậy của chính phủ Việt Nam và có nhiều chuyên gia đầy kinh nghiệm, Ericson sẽ hỗ trợ Việt Nam như thế nào trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này, thưa ông?
Denis Brunetti: Chúng tôi tin rằng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất. Và, việc phát triển nguồn nhân lực về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, khoa học dữ liệu luôn là ưu tiên của chúng tôi. Chẳn hạn như Ericsson đang có quan hệ đối tác với Học viện Công nghệ hoàng gia Melbourn RMIT trong khuôn khổ dự án “Ericsson Educate".Theo đó, sinh viên Việt Nam khắp mọi miền đất nước sẽ được lĩnh hội kiến thức công nghệ 5G, internet vạn vật (IoT), khoa học máy tính, điện toán đám mây, giáo dục thực tế ảo…từ các chuyên gia, học giả nổi tiếng, kỹ sư CNTT.
Năm 2023, chúng tôi sẽ ra mắt phòng thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo tại Học viện RMIT ở thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với đó, chúng tôi sẽ mời các trường Đại học danh tiếng thế giới tham gia vào dự án hợp tác chung này để Việt Nam tạo ra được các sản phẩm về trí tuệ nhân tạo, giúp Việt Nam trở thành một Trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển AI trong khu vực ASEAN vào năm 2030. Và,chúng tôi chắc chắn Việt Nam đã chọn đúng đối tác là tập đoàn Ericsson của chúng tôi.
PV: Vâng, xin trân trọng cảm ông và chúc sự hợp tác giữa Việt Nam và Ericsson thành công hơn nữa.