Thúc đẩy kết nối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước

(VOV5) - Sự phát triển bền vững giữa hai khối doanh nghiệp cần thiết phải được xây dựng theo hướng để doanh nghiệp nội địa trở thành chuỗi cung ứng mẫu tại Việt Nam.

Sau 30 năm mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam thu hút được trên 26 nghìn dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giải quyết việc làm cho khoảng trên 4 triệu lao động. Tuy nhiên, việc liên kết giữa khu vực FDI với khu vực doanh nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế. Thúc đẩy kết nối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước là mục tiêu trong giai đoạn tới của Việt Nam.

Thúc đẩy kết nối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước - ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. - Ảnh: vneconomy.vn

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 1988 đến nay đã có 128 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký trên 326 tỷ đô la Mỹ. Trong đó, 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, đóng góp gần 73% tổng kim ngạch xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho 3,6 triệu lao động trực tiếp và cho 5-6 triệu lao động gián tiếp.Tuy nhiên, trong chuỗi giá trị sản phẩm được tạo ra, các doanh nghiệp trong nước hầu như chưa tham gia nhiều, chủ yếu là làm gia công các mặt hàng nhỏ, tỷ lệ nội địa hóa cũng như hoạt động chuyển giao công nghệ còn ở mức thấp.

Nguyên nhân của những hạn chế này là doanh nghiệp FDI không liên kết được với doanh nghiệp trong nước liên quan đến chuyển giao công nghệ. Hiện, các chỉ số liên quan đến khả năng hấp thụ, nắm giữ và phát triển công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ tiêu chuẩn và khả năng kết nối vào với doanh nghiệp FDI.

Thúc đẩy kết nối

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, các doanh nghiệp nước ngoài cần chủ động tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội từng bước tham gia vào chuỗi giá trị: “Hai khối doanh nghiệp hiện nay hiện đang chênh nhau. Do đó vấn đề mấu chốt là doanh nghiệp FDI cần phải hỗ trợ, tương tác, kết nối để doanh nghiệp trong nước phát triển. Một mặt doanh nghiệp trong nước phải nâng cao trình độ công nghệ và khả năng hấp thụ của mình nâng cao năng lực. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng hỗ trợ để khả năng kết nối này được diễn ra. Doanh nghiệp FDI tạo động lực lan tỏa và kết nối được doanh nghiệp trong nước, khi đó doanh nghiệp trong nước phát triển thì nền kinh tế Việt Nam mới tự chủ và phát triển bền vững được.

Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng: Giai đoạn mới của thu hút FDI cần gắn với yêu cầu nâng cao trình độ công nghệ, gắn với lan tỏa công nghệ, gắn với kết nối doanh nghiệp. Theo đó, phải đưa ra những chỉ tiêu cụ thể để định hướng dòng vốn đầu tư, thành các chương trình đồng bộ, từ thể chế đến kết nối với các doanh nghiệp cụ thể, thúc đẩy liên kết… Ông Vũ Tiến Lộc cho biết: “VCCI và các Phòng thương mại công nghiệp nước ngoài chúng tôi sẽ xây dựng chương trình lựa chọn hỗ trợ các nhóm doanh nghiệp có tiềm năng trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trở thành lực lượng tiềm năng kết nối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Chúng ta không thể hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp,  nhưng có thể chọn ra những lực lượng tiêu biểu nhất tiên tiến trong cộng đồng doanh nghiệp để cao nâng cấp về quản trị và công nghệ.

Thúc đẩy kết nối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước - ảnh 2 Sản xuất linh kiện cơ khí tại Công ty Misumi Việt Nam - Khu chế xuất Linh Trung, Thủ Đức – Tp.Hồ Chí Minh. - Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Gỡ nút thắt để tăng cường liên kết

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, cho rằng việc đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là rất cần thiết. Việt Nam nghiên cứu tìm ra nút thắt để có hành động cụ thể nhằm tạo ra liên kết bền chặt, tạo sự liên kết hòa nhập hơn. Trong đó, hướng tới trọng tâm là kết nối về công nghệ. Ông Ousmane Dione nhấn mạnh: “Cần đảm bảo nâng cao tính hiệu quả để tiếp cận được với công nghệ để hướng tới một nền kinh tế mở Việt Nam không chỉ dựa vào doanh nghiệp hiện tại mà phải dựa vào lực lượng đông đảo doanh nghiệp. Chúng ta cần cả doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việt Nam cần mạnh mẽ và tiếp tục dựa vào những gì xây dựng và phát triển để nâng cao tính cạnh tranh, nâng cao năng suất cho nền kinh tế Việt Nam. Những liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực sự có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam. Cần tăng cường công tác lãnh đạo để tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp cả hai khối trong và ngoài nước.”

Như vậy, sự phát triển bền vững giữa hai khối doanh nghiệp này cần thiết phải được xây dựng theo hướng để doanh nghiệp nội địa trở thành chuỗi cung ứng mẫu tại Việt Nam. Trách nhiệm của nhà đầu tư nước ngoài với quốc gia nhận đầu tư là thúc đẩy hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp Việt Nam. Việc kết nối giữa hai khối doanh nghiệp này sẽ đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế  trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng như hiện nay.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác