Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-CHLB Đức

(VOV5)- Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Joachim Gauck, ngày 24/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng đoàn cấp cao Việt Nam rời Hà Nội lên đường thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Liên bang Đức từ 24-26/11.

Chuyến thăm mở ra những cơ hội hợp tác mới, tạo động lực thúc đẩy quan quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước đi vào chiều sâu.

Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-CHLB Đức - ảnh 1

Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam tới nước Đức thống nhất kể từ năm 1990 và đúng vào dịp hai nước đang kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1975-2015).

Quan hệ giữa Việt Nam và CHLB Đức đang trên đà phát triển tích cực. 2 nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2011 nhân chuyến thăm của Thủ tướng Đức Angela Merkel đến Việt Nam.

 

Quan hệ hữu nghị, hợp tác phát triển toàn diện

40 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 9/1975, quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt – Đức ngày càng phát triển tích cực, hiệu quả. Sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trong lĩnh vực chính trị-ngoại giao được thể hiện thông qua việc thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao, cùng với việc hình thành và triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác như Nhóm Điều hành chiến lược, Đối thoại về kinh tế vĩ mô, Tham vấn chính trị giữa Bộ Ngoại giao hai nước…Nổi bật là việc hai nước đã ký Tuyên bố chung Hà Nội về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.


Ông Chu Tuấn Cáp, Nguyên đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức, Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Đức, cho rằng: “Tháng 10 năm 2011, tất cả chúng ta chứng kiến sự kiện lịch sử đó là 2 Thủ tướng ký Tuyên bố chung xây dựng quan hệ đối tác chiến lược. Thời điểm đó CHLB Đức là một trong số rất ít các nước có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Điều này cho thấy tính chất rất đặc biệt và tầm vóc của quan hệ 2 nước. Trên cơ sở đó, những năm qua quan hệ 2 nước liên tục phát triển. Đáng chú ý là các nhà lãnh đạo 2 nước thường tiến hành các chuyến thăm lẫn nhau, qua đó đều đi đến các thỏa thuận chính trị quan  trọng.”

Cùng với hợp tác về chính trị, hợp tác thương mại giữa hai nước đạt được những kết quả ấn tượng trong 5 năm qua. Cộng hòa Liên bang Đức luôn duy trì vị trí đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh Châu Âu, chiếm gần 20% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2014 đạt 7,8 tỉ USD. 6 tháng đầu năm nay kim ngạch tăng 20%, dự kiến năm 2015 sẽ tăng khoảng 10% so với năm ngoái.  Đức cũng là nước có vai trò tích cực trong quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và coi Việt Nam là thị trường có tiềm năng phát triển nhanh ở châu Á. Những dự án “hải đăng” đang được hai nước tích cực triển khai như Ngôi nhà Đức, Tuyến tàu điện ngầm số 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trưởng đại diện Viện Friedrich Erbert (FES) tại Việt Nam, ông Erwin Schweisshelm, nhận xét: Hiện giờ CHLB Đức là đối tác thương mại lớn tại Việt Nam trongLiên minh châu Âu. Về đầu tư trực tiếp của Đức tại Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng và thời gian vừa qua đã ghi nhận những tăng trưởng ấn tượng.”

Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, Đức cung cấp khoảng 2 tỷ USD cho các dự án ODA tại Việt Nam. Đức cũng là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề. Đặc biệt, mối quan hệ Đức - Việt Nam hiện nay còn có một cơ sở vững chắc là cộng đồng đông đảo người Việt tại Đức với hơn 100.000 người và số lượng tương tự người ở Việt Nam nói được tiếng Đức. Đây là cầu nối quan trọng tăng cường sự hiểu biết và thúc đẩy hợp tác giữa nhân dân hai nước.

 

Triển vọng hợp tác

Việc lãnh đạo Chính phủ hai nước ký Tuyên bố chung Hà Nội năm 2011 về nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược cho thấy quyết tâm của cả hai bên trong việc thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại đang rất thành công trong những năm qua, cũng như trên nhiều lĩnh vực quan trọng khác như hợp tác phát triển, bảo vệ môi trường, giáo dục và khoa học công nghệ. Theo giới chức 2 nước, quan hệ hợp tác hữu nghị Đức-Việt Nam sẽ tiếp tục đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn nữa khi các dự án hợp tác trọng điểm, trong đó có trường Đại học Việt-Đức, được cả hai bên nỗ lực thúc đẩy sẽ phát triển mạnh. Ngoài ra việc thúc đẩy các doanh nghiệp Đức tham gia vào các dự án đào tạo nghề cho các học viên Việt Nam cũng là một trong những trọng tâm hợp tác trong thời gian tới. Đức cũng tích cực hỗ trợ Việt Nam triển khai các dự án năng lượng gió, năng lượng mặt trời.

Với mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp trong 40 năm qua, cùng sự nỗ lực và tiềm năng to lớn của hai nước, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Cộng hòa Liên bang Đức lần này sẽ mở ra những cơ hội hợp tác mới, tạo động lực thúc đẩy quan quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước ngày càng thực chất, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới.

Phản hồi

Các tin/bài khác